Bệnh dại - nỗi lo không của riêng ai

11:04, 26/04/2010
.

(QNg) - Những năm gần đây, hiểm hoạ bị chó dại tấn công luôn là nỗi lo của nhiều người. Hằng năm, toàn tỉnh có hàng nghìn bệnh nhân nghi dại được tiêm phòng dại. Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhưng thời gian qua vẫn còn xảy ra những cái chết thương tâm do chó dại cắn.

Nhận thức về bệnh dại còn hạn chế
Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, năm 2009 Quảng Ngãi có hơn 5.300 người bị chó, mèo cắn. Tổng chi phí cho công tác tiêm phòng này khoảng 3 tỷ đồng.  Đó là chưa tính đến các khoản phụ khác như công tiêm, thù lao ngoài giờ cho y tá, hay tiền bảo quản vắc xin… Trong đó Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã tiêm chủng cho khoảng gần 3.000 bệnh nhân nghi dại (tổng chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng) có 2 ca tử vong.

Anh Võ Duy Ninh - cán bộ chuyên trách phòng chống bệnh dại thuộc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Vài năm trở lại đây, số lượng người bị chó, mèo cắn đi tiêm chủng tăng lên đáng kể. Nhưng đồng thời tỷ lệ người mắc bệnh dại tử vong không thuyên giảm. Năm 2009 có 5 trường hợp tử vong và trong 3 tháng đầu năm 2010 có 1 ca. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều người thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại, dẫn đến chủ quan không đi tiêm phòng. Có người bị chó, mèo dại cắn còn đến các thầy lang để điều trị bằng thuốc nam. Nguy hiểm hơn là có những bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin phòng dại về, còn uống các loại thuốc không theo quy định của bác sĩ như corticoid ACTH; nhóm kháng Histamen, gồm Dexamethazon, Fresnisolon…, dẫn đến vắc xin mất tác dụng. Mặt khác một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế, nên không có đủ điều kiện đi tiêm chủng.

Thực tế bệnh dại xuất hiện quanh năm ở hầu hết các vùng đồng bằng đến miền núi. Đặc biệt là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng làm cho bệnh càng tăng cao. Bệnh dại chủ yếu do động vật có vú mang vi rút thuộc họ Rhabdoviridae truyền vào cơ thể người bằng các vết cắn, cào sươc hay liếm trên da bị thương. Mồm há, nước dãi chảy, tai rủ, đuôi cụp, giọng khàn… là dấu hiệu bệnh dại ở chó. Còn sợ nước, sợ gió, đau đớn, sùi bọt mép… là những biểu hiện của người lên cơn dại, do bị súc vật dại cắn.

Đến nay bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị, nên khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy khi bị chó, mèo cắn bệnh nhân cần nhanh chóng làm vệ sinh vết thương bằng cách rửa vết thương nhiều lần bằng xà phòng và nước hoặc chất tẩy rửa. Sau đó sát khuẩn bằng cồn, tuyệt đối không được băng kín vết thương. Sau đó lập tức đến trung tâm y tế dự phòng tham vấn ý kiến bác sĩ, để được điều trị đầy đủ. Các bác sĩ ở Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm, nếu vết thương chó cắn nặng, gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, đầu các chi…) thì cần tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
 
Tiêm phòng dại sẽ hạn chế nguy cơ tử vong khi bị chó, mèo cắn.
Tiêm phòng dại sẽ hạn chế nguy cơ tử vong khi bị chó, mèo cắn.
Nếu vết thương nhẹ và xa thần kinh trung ương, thì chỉ tiêm vắc xin phòng dại Verorab và thôi tiêm nếu ngày thứ 15 súc vật cắn vẫn sống bình thường. Mục đích của việc tiêm huyết thanh kháng dại là làm tăng hiệu quả tiêm vắc xin phòng dại. Trong trường hợp bị súc vật cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn, huyết thanh kháng dại có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh, để có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vắc xin. Dùng huyết thanh càng sớm càng có hiệu quả cao (tốt nhất là trước 24 giờ. Sau 7 ngày mới tiêm thì huyết thanh không còn có tác dụng).

Cần lắm những cơ chế hỗ trợ
Hiện nay tỉnh ta mới chỉ có 8/14 Trung tâm y tế dự phòng có chức năng tiêm phòng bệnh dại gồm huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và Trà Bồng. Thực trạng trên gây khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng của những người bị súc vật dại cắn. Bởi lẽ người dân ở các địa phương miền núi và huyện Lý Sơn...bị súc vật dại cắn phải mất nhiều thời gian mới đến được điểm tiêm. Đã vậy theo quy trình điều trị, thì người dân phải tiêm đủ 5 mũi trong vòng 4 tuần, nên rất tốn kém cho chi phí đi lại, ăn ở… Trong khi đó phí tiêm phòng quá cao (trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/bệnh nhân). Vì vậy, một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn ngại đi tiêm phòng, phó mặc tính mạng cho sự may rủi.

Bên cạnh đó công tác tuyên truyền ở một số địa phương, nhất là các huyện miền núi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó vẫn còn tình trạng nhiều người dân khi bị chó, mèo cắn không biết nên làm gì và đến những đâu, để được tư vấn tiêm phòng?. Anh Nguyễn Văn Tài ở xã Sơn Thuỷ (Sơn Hà), bức xúc nói: "Tôi bị chó cắn bên chân phải đã 3 ngày. Nay mới xuống Trung tâm y tế dự phòng TP. Quảng Ngãi tiêm phòng. Vì Trung tâm y tế huyện Sơn Hà vẫn chưa có chức năng tiêm chủng mà hỏi thì không ai biết nơi nào có chức năng này. Mất nhiều ngày tôi mới tìm được đến đây".

Qua đây cho thấy, hiện vẫn còn một số Trung tâm y tế dự phòng huyện chưa làm tốt công tác hướng dẫn cho bệnh nhân cách "sơ cứu" ban đầu, nhằm giúp người dân hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm dại. Vì vậy  các cấp chính quyền và ngành y tế dự phòng tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những hiểm nguy khi bị chó, mèo cắn và có cơ chế hỗ trợ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo được tiếp cận với dịch vụ tiêm phòng dại, nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

               Bài, ảnh: T.Phương

.