Thể thao Việt Nam: Bước tiến dài

02:09, 02/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là cơ quan tham mưu của Chính phủ về TDTT. Đồng thời, Người ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Nhờ đó đến nay, Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có bước tiến dài.
 
[links()]
 
Ngày nay, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai sâu rộng trên mọi miền đất nước. Phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng là nền tảng quan trọng để phát triển thể thao thành tích cao, từng bước đưa TTVN đạt vị trí cao của khu vực, châu lục và thế giới.
 
Đoàn thể thao Việt Nam trong buổi lễ khai mạc SEA Games 31.                                Ảnh: internet
Đoàn thể thao Việt Nam trong buổi lễ khai mạc SEA Games 31. Ảnh: internet
Kể từ SEA Games 2003, khi nước ta lần đầu tiên đăng cai Đại hội thể thao của khu vực Đông Nam Á, TTVN luôn vững vàng trong tốp 3 nước dẫn đầu thể thao ở khu vực. Mới đây nhất, trên cương vị chủ nhà của SEA Games 31, Đoàn TTVN đã xếp nhất toàn đoàn, với 205 huy chương vàng (HCV), 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên vượt mốc 200 HCV ở một kỳ SEA Games. Đặc biệt, ở các môn, nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024, Đoàn TTVN giành 119 HCV, chiếm 58% so với tổng số HCV giành được. Trong đó có những môn thể thao được đầu tư trọng điểm như bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ... các vận động viên đều mang về thành tích cao.
Trong khi đó, ở đấu trường châu lục (ASIAD), TTVN đã nhiều lần có vận động viên bước lên bục cao nhất. Đặc biệt, tại Olympic Rio 2016, lần đầu tiên TTVN có HCV với chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng.
 
Với những bước tiến dài, TTVN đang hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Trước đây, ngành thể thao chọn hướng đầu tư theo hình thức liên thông từ SEA Games (khu vực Đông Nam Á) đến ASIAD (Châu Á) rồi tiếp theo là Olympic (thế giới). Còn hiện nay, Bộ VH-TT&DL đang xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhằm cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới phát triển TDTT được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... 
 
Điểm chú ý trong chiến lược này là, ngành thể thao đã điều chỉnh mục tiêu với ưu tiên số 1 của TTVN là Olympic, số 2 là ASIAD và SEA Games là thứ 3. Đây là quan điểm đột phá của chiến lược và phù hợp với thực tế phát triển của TTVN.
 
Bóng đá giành nhiều chiến tích
 
Ở môn thể thao Vua, đội tuyển bóng đá nam đã giành HCV ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, đoạt ngôi vô địch Đông Nam Á và vào đến vòng loại thứ 3 World Cup; đội tuyển U23 giành huy chương bạc Giải U23 Châu Á năm 2018; đội tuyển bóng đá nữ lần đầu tiên vào Vòng chung kết World Cup, còn đội tuyển Futsal 2 lần vào Vòng chung kết World Cup Futsal...
 
THANH NHƯ
 
 
 
 

.