Thơ là ngôi nhà chung của nhân loại

09:01, 22/01/2016
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Có hai nhà thơ Pháp đã ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi, họ không chỉ là những bậc thầy về thơ, mà còn là người dẫn đạo tinh thần cho tôi trong cuộc sống. Đó là Louis Aragon và Paul Eluard. Có hai người bạn của tôi cũng rất yêu Aragon và Eluard-đó là cố nhà thơ Trần Vũ Mai và nhà thơ Ngô Thế Oanh.

Chúng tôi yêu Aragon và Eluard trước hết vì thơ của họ-thơ đó trong trẻo tới mức từ hiện thực bỗng hóa thành siêu thực. Và thơ ấy cũng mang nặng trách nhiệm làm người tới mức từ siêu thực lại trở về hiện thực. Thơ ấy kêu gọi bằng những lời tâm tình, và phản kháng từ ngôn ngữ của con tim: vì yêu mà phản kháng.

Chúng tôi khi đó còn rất trẻ, rất mê thơ siêu thực tuy không hiểu gì về siêu thực cả. Nhưng thơ của Aragon và Eluard thì chúng tôi hiểu. Thơ ấy đánh thẳng vào con tim non trẻ và đầy nhiệt huyết của chúng tôi. Thơ ấy minh triết như đứa trẻ ngây thơ, và ngây thơ như người đã từng trải bao cảnh ngộ của cuộc đời. Vâng, với Louis Aragon, siêu thực là một dạng hiện thực được vượt thoát. Vượt thoát để “hiện thực hơn”. Và vượt thoát để nhìn trở lại hiện thực một cách bình dị hơn, chứ không phải bí hiểm hơn.

Còn Eluard, dù ông đã rạch ròi với những nhà thơ siêu thực từng là bạn bè của mình: “Và mưa rơi giữa chúng ta/Mưa rơi giữa chúng ta/Như rơi từ chỗ trống không ra/”(Bản dịch của nhà thơ Chế Lan Viên) thì Eluard chính là người đã giải thích cho những người Việt Nam trẻ mới tập làm thơ như chúng tôi: thế nào là thơ siêu thực? Và chúng tôi đã học được ít nhiều về thơ siêu thực chính từ những dòng thơ nhiều khi cực giản dị ấy. Còn tại sao chúng tôi, những nhà thơ Việt, làm thơ bằng tiếng Việt, lại chọn những bậc thầy của mình là những nhà thơ “ngoài Việt”? Có lẽ, trước hết, vì Thơ là ngôi nhà chung của thế giới, bất chấp những bất đồng ngôn ngữ.

Qua những bản dịch, nhiều khi chưa được thẩm định độ chính xác và những vi tế của ngôn ngữ, chúng tôi vẫn nhận ra ngay nếu thơ ấy phù hợp với tâm hồn mình, thơ ấy kích động được từ bên trong những ẩn ức của mình, trục vớt được những hình ảnh nương náu từ cõi vô thức của mình, và cho mình tiếp nhận không do dự ngay cả những điều chưa sáng rõ. Nếu thơ Aragon trôi chảy như dòng sông mênh mang những ngọn sóng lớn tràn ngập tâm hồn ta, thì thơ Eluard như những luồng vi sóng đột nhiên len lách vào cõi vô thức không cho ta cưỡng lại.

Ngày chiến tranh, chúng tôi đã mang thơ Aragon và thơ Eluard trong trí nhớ, mang theo trong những cuốn sổ tay nhỏ vào chiến trường. Với tôi, còn một nhà thơ Nga rất “bụi” và rất hiện đại mà tôi ngưỡng mộ: Đó là Eduard Bagritsky-nhà thơ của thời kỳ nội chiến Nga sau cách mạng tháng Mười. Bài thơ của Bagritsky mà tôi  chịu ảnh hưởng sâu sắc, mà tôi mang theo vào chiến trường, là bài thơ dài “Đêm cuối cùng” (Последняя ночь) được ông viết vào năm 1932: “Ôi đêm qua ánh sáng nay đâu/Đâu rồi tiếng chim sáo hót/Một khoảng rừng thưa/Và trong khoảng rừng thưa/Một chiếc giày bên cạnh rãnh xe đại bác/Xúp màu xanh ri rỉ/Miền đồng cỏ con chó hoang đến liếm/Những đống lửa cháy trên những con đường lớn/Những người lính ngồi bắt rận/Nước Pháp trong khói bay/Nước Phổ trong gió cuốn/Nước Nga là sương mù/…”.

Đây là bản dịch bài thơ Nga từ bản Pháp ngữ của nhà thơ Lê Đạt-một bản dịch tuyệt vời! Tôi còn nhớ, khi tiếp xúc nguyên bản tiếng Nga, thì câu thơ “Nước Nga là sương mù” được phát âm là “Russia i tuman”-một câu thơ thật ngắn, thật vang và thật mờ. Những chi tiết chiến tranh, không khí chiến tranh, những hình ảnh chiến tranh-thuộc thế chiến thứ Nhất-là quá thực. Dù cả bài thơ là tượng trưng, là siêu thực từ bút pháp. Nó tạo ra sự ám ảnh kinh khủng. Mà khi thơ đã tạo được hiệu ứng ám ảnh, nghĩa là thơ ấy như đã gồm đủ cả hiện thực lẫn siêu thực, cả tượng trưng và biểu hiện.  

Điều đó khiến một người làm thơ trẻ như tôi vô cùng mê mẩn. Tôi có cảm giác, viết về chiến tranh phải vậy mới đúng, phải vậy mới đạt. Khi tôi viết bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”, tôi đã chịu ảnh hưởng rất tích cực từ bài thơ “Đêm cuối cùng” của Eduard Bagritsky. Dù trước khi đọc Bagritsky, tôi đã đọc và hâm mộ thơ Puskin, Lermontov, Esenhine, Blok… những nhà thơ Nga kỳ diệu. Thơ ca quả thật là ngôi nhà chung của nhân loại, nơi lưu giữ tâm hồn nhân loại thông qua tâm hồn từng dân tộc. Đó cũng là ngôi nhà chung cho tất cả các nhà thơ, không phân biệt dân tộc và quốc tịch.

Người ta nói: Nhà thơ phải đi hết dân tộc mình để tới với nhân loại. Đúng như thế. Nhưng đó là cuộc lữ hành ngay trong một ngôi nhà: ngôi nhà Thơ ca. Chỉ cần gặp gỡ các nhà thơ thuộc những quốc gia khác, những dân tộc khác, chúng ta đã ngay từ đầu cảm nhận họ là bạn của mình, cứ như đã gặp nhau từ lâu lắm rồi. Dù ngôn ngữ khác biệt, và đôi khi phải dùng tới “ngôn ngữ hình thể” thay cho ngôn ngữ, thì cũng chưa phải là thảm họa. Có rất nhiều cách kết nối và thể hiện để các nhà thơ trên thế giới hiểu nhau, đồng cảm với nhau, vượt qua những rào chắn ngôn ngữ.

Mặc dù thơ được tạo dựng nên bằng chính những rào chắn ấy, bằng ngôn ngữ. Và các nhà thơ trên thế giới muốn đọc thơ nhau thì hầu hết đều phải thông qua các bản dịch của những nhà dịch thuật khiêm nhường và tài ba. Ngày trước, thông qua bản dịch thơ của những nhà thơ Việt nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Trần Dần, Lê Đạt, Đào Xuân Quý… mà chúng tôi được đọc thơ Tây Ban Nha, thơ Mỹ La tinh, thơ châu Phi… Không có những nhà thơ kiêm nhà dịch thuật ấy, chúng tôi chưa thể tiếp cận với thơ Pablo Neruda, thơ Nazim Hitmet… Và sau này, qua bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha của nhà văn kiêm nhà dịch thuật Nguyễn Trung Đức, chúng tôi lại được đọc thơ Octavio Paz-một thế giới thơ vừa lạ lẫm vừa gần gũi.

Với thế hệ nhà thơ đương đại, thi sĩ Hoàng Hưng đã dịch thơ F.G.Lorca, thi sĩ Nguyễn Quang Thiều dịch thơ Mỹ, thơ Hàn Quốc, và nhà thơ Trần Kỳ Phương đã dịch thành công trường ca “Trên đỉnh Macchu Picchu” của Pablo Neruda-một kiệt tác của thơ thế giới.  

Thơ là ngôi nhà chung, nơi cư trú biết bao dòng thơ, trường phái thơ, phong cách thơ, và có biết bao nhiêu nhà thơ trên trái đất. Tôi không rõ còn hành tinh nào khác tồn tại sự sống mà lại nhiều nhà thơ như trái đất chúng ta? Đó chẳng phải là điều kỳ diệu sao? Những nhà thơ đọc của nhau, học lẫn nhau, và cùng nâng nền thơ của dân tộc mình lên, kết nối với những nền thơ của các dân tộc khác. Trong “Ngôi nhà chung” là Thơ ấy, chúng ta còn làm được bao nhiêu việc cùng nhau. Có một nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam-nhạc sĩ Trần Tiến-đã viết: “Mẹ ơi thế giới mênh mông/Mênh mông không bằng nhà mình”. Chúng ta cũng có thể nói về Ngôi nhà Thơ như vậy, có thể gọi Ngôi nhà Thơ ấy là “nhà mình”./.

                                                       
 


.