Lễ tục hôn nhân của người Hrê

06:03, 28/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đồng bào dân tộc Hrê định cư lâu đời ở miền núi Quảng Ngãi và các vùng lân cận, có bản sắc văn hóa riêng, và Lễ tục hôn nhân là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống còn được lưu giữ đến ngày nay.

TIN LIÊN QUAN

Hôn nhân truyền thống của người Hrê về cơ bản là ngoại tộc, tự nguyện và là hôn nhân một vợ, một chồng. Con trai, con gái đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, yêu thương, và có quyền lựa chọn người bạn đời cho mình. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy phải được hai bên cha mẹ chấp thuận và trong một chừng mực nhất định, phải được dân làng đồng tình (không vi phạm Luật tục). Chính vì vậy, Lễ tục hôn nhân truyền thống của người Hrê có vai trò quan trọng của người làm mai mối (Lam-ha-but).

Sự tìm hiểu của con trai, con gái Hrê thường diễn ra trong cuộc sống đời thường thông qua lao động sản xuất trên nương rẫy, trong giao tiếp hằng ngày và các dịp lễ hội. Chàng trai khoẻ mạnh, thông minh tháo vát, phát rẫy làm ruộng giỏi, cái miệng nói lời hay, biết đánh nhạc Ching hay rất được các cô gái ưng cái bụng. Còn những cô gái khoẻ mạnh, đảm đang, làm cái rẫy cái ruộng giỏi, cái tay biết dệt thổ cẩm đẹp, biết vỗ Vinh-vút và cái miệng hát Kchoi, Klêu hay sẽ rất được nhiều chàng trai để ý yêu thương.  


Quá trình tiến tới hôn nhân của con trai, con gái Hrê không phụ thuộc vào chế độ phụ quyền hay mẫu hệ. Nghĩa là con trai, con gái trưởng thành đều bình đẳng và chủ động trong quyết định hôn nhân của mình. Khi đôi trai gái thương nhau, được gia đình chấp thuận, cha mẹ sẽ nhờ người làm mai đánh tiếng cho gia đình bên kia biết ý định của hai đứa và ý định của gia đình mình. Người làm mai trong hôn nhân của người Hrê có vai trò đặc biệt quan trọng, họ làm mai mối đôi nam, nữ với nhau.

Nhưng nếu trường hợp đôi nam, nữ tự tìm hiểu, người làm mai sẽ thay mặt gia đình thăm dò những người lớn tuổi và dân làng về nguồn gốc hai bên gia đình (nhằm tránh hôn nhân cùng huyết thống và vi phạm các Luật tục của làng). Người làm mai chẳng những đóng vai trò là sợi dây liên hệ xuyên suốt giữa hai bên gia đình cho đến khi hôn nhân hoàn thành, mà còn có trách nhiệm vun vén cho hạnh phúc của đôi trai gái sau khi đã thành vợ thành chồng. Vai trò quan trọng như vậy, nên người làm mai phải hiểu biết phong tục tập quán, có khả năng ăn nói thuyết phục và phải có uy tín, được dân làng quý mến.

Thông qua người làm mai, hai bên gia đình hiểu được ý định của nhau, cùng nhau thỏa thuận những vấn đề cần thiết để đi đến hôn nhân của đôi trai gái. Trình tự nghi lễ dẫn đến hôn nhân của người Hrê cũng qua những bước cụ thể: Lễ thức mai mối, lễ gặp mặt hai gia đình, lễ hỏi, và lễ cưới. Trong suốt quá trình này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của người làm mai là thăm dò, thỏa thuận giữa hai bên gia đình về việc đón dâu hay đón rể. Đối với người Hrê, việc đón dâu hay đón rể là do đôi trai gái, hai bên gia đình cùng thống nhất với nhau, nhưng thường thì phía gia đình ít con, khó khăn về kinh tế hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Ngày đón dâu, hoặc đón rể về nhà của người Hrê thường diễn ra gọn nhẹ. Nếu là đón dâu, phía nhà trai mời những thanh nữ còn chưa lập gia đình trong làng, càng đông càng vui để cùng đi với chú rể đến nhà gái đón dâu. Ngược lại, nếu là đón rể, phía nhà gái mời những nam thanh niên chưa vợ cùng đi với cô dâu đến nhà trai để đón rể. Bên phía đón dâu (hay đón rể) mang theo quần áo, kiềng bạc cho nhà bên kia - gọi là đồ dẫn cưới, và phải chuẩn bị sẵn một không gian trong nhà, có bếp, có nơi ngủ cho đôi tân hôn. Và cũng chính tại đây sẽ là nơi diễn ra những nghi thức tượng trưng cho sự gắn bó giữa cô dâu và chú rể. Hai người sẽ trao cho nhau miếng trầu, bát rượu, quàng chung một vòng chỉ...

Khi đoàn người đón dâu, hoặc đón rể về tới nhà, gia đình sẽ dâng lễ vật, thường là con gà để báo cáo và xin thần linh, ông bà chứng giám, công nhận đôi nam nữ từ nay đã thành vợ thành chồng, cho chúng nó mạnh khỏe, yêu thương gắn bó suốt đời, làm rẫy làm ruộng thuận lợi, và sinh con đẻ cháu.

Ngày đón dâu, đón rể không chỉ là niềm hạnh phúc, niềm vui của lứa đôi, của hai bên gia đình mà còn là niềm vui của cả cộng đồng dân làng. Dân làng đến chia vui, cùng uống rượu Cần, đánh nhạc Ching, Vinh-vút, hát các làn điệu dân ca truyền thống.

Mùa xuân - khi hoa Pơ-liêng nở rộ đỏ rực trên khắp núi rừng cũng là mùa lễ cưới của người Hrê. Luật tục của người Hrê cũng quy định loạn luân là một trọng tội, có liên lụy đến cả cộng đồng và bị cộng đồng dân làng xử phạt rất nặng.
                      

Văn Bốn
 


.