Định hướng nghề nghiệp: Giải pháp phân luồng học sinh

09:03, 05/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) là một trong những giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc phân luồng HS sau THCS. Tuy nhiên, nhiều trường học trong tỉnh còn khó khăn trong công tác hướng nghiệp, nhất là ở các huyện miền núi.
Định hướng theo năng lực học sinh
 
Định hướng nghề nghiệp sau THCS là hoạt động cần thiết phải triển khai trong các cơ sở giáo dục. Thầy, cô giáo là người hiểu rõ năng lực HS, từ đó định hướng cho các em tiếp tục con đường học tập lên THPT hay chọn một trường nghề phù hợp. Định hướng theo năng lực là một trong những nội dung quan trọng để phát huy khả năng của HS sau này. Điều đó sẽ giúp các em chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.  
 
Các trường miền núi gặp khó trong phân luồng học sinh sau bậc THCS.
Các trường miền núi gặp khó trong phân luồng học sinh sau bậc THCS.
Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) Đặng Minh Hùng cho biết: “Nhà trường làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp sẽ góp phần phân luồng HS sau THCS một cách hiệu quả. Những em có học lực không tốt sẽ được định hướng vào các trường nghề để có hướng đi đúng cho tương lai.
 
Trường đã tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh để cùng với nhà trường chọn nghề phù hợp cho con em”.
 
Những năm gần đây, các huyện miền núi cũng chú trọng hơn đến công tác định hướng nghề nghiệp cho HS sau THCS. Nhiều trường đã liên kết với các trường nghề trên địa bàn tỉnh để trực tiếp tư vấn cho HS và phụ huynh; đồng thời đưa HS lớp 8 và 9 cùng phụ huynh đến tham quan, trải nghiệm  tại trường nghề.
 
Gặp khó trong hướng nghiệp
 
Khó khăn trong công tác hướng nghiệp hiện nay là việc thay đổi nhận thức của phụ huynh và HS về việc chọn nghề sau khi hoàn thành chương trình THCS. Đối với HS có học lực tốt thì tiếp tục học lên THPT. Với những em học lực hạn chế, đa số không muốn học nghề mà đi làm thuê để kiếm tiền. Nhiều phụ huynh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc hướng nghiệp. 
 
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) Nguyễn Duy Bắc cho biết: Nhà trường đã liên kết với Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 8 và 9; đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương đưa HS và phụ huynh xuống tận nơi để trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, trong năm 2019 chỉ có 2 em nộp hồ sơ và theo học tại trường nghề. Hơn 40% HS lớp 9 tiếp tục học THPT. Số HS còn lại nghỉ học làm lao động phổ thông ở địa phương và một số nơi khác.
 
Theo ông Nguyễn Chí Thành - Phụ trách Trung tâm tuyển sinh, việc làm và dịch vụ (Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi), trường đã rất nỗ lực trong việc tư vấn, tuyển sinh tại các huyện miền núi. Học sinh THCS theo học nghề được hưởng nhiều chế độ ưu đãi. Các em không phải tốn khoản chi phí nào kể cả tiền ăn, ở. Thầy, cô giáo luôn tận tâm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh ngại cho con em đi học xa nhà. Vì vậy, hằng năm, trường chỉ tuyển được vài chục em, chủ yếu là nữ theo học lớp may thời trang. Nhà trường nỗ lực đảm bảo đầu ra cho hơn 30 em đang theo học. Khi các em ra trường có việc làm sẽ tạo niềm tin cho những lớp sau này.
 
"Phân luồng HS ở miền núi nói chung và huyện Ba Tơ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Số HS học lên bậc THPT không đạt 70%. Còn lại các em đi học nghề nhưng rất ít. Ngành giáo dục địa phương đã kêu gọi các trường đến tư vấn tuyển sinh. Các trường cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho HS lớp 9 vào trường nghề nhưng các em không hứng thú. Năm học này, huyện Ba Tơ cũng đưa ra chỉ tiêu phấn đấu 30% HS THCS vào trường nghề. Ngành giáo dục phối hợp với địa phương và các trường nghề tiếp tục vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho phụ huynh và HS", Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam chia sẻ.
 
Bài, ảnh: DUY HÙNG
 
 
 

.