Cần hỗ trợ về thuế cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

09:03, 03/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Theo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị các bộ, ban ngành và Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là cần thiết và hợp lý.
 
Xăng dầu Dung Quất cao hơn hàng ngoại nhập
 
Theo lãnh đạo BSR, từ tháng 1.2016, sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0% trong khi sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ thuế 10%. Đối với mặt hàng xăng, theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0% nhưng thoả thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10% trong khi xăng Dung Quất là 20%. Thời gian tới thoả thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%.
 
Như vậy, chênh lệch thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng sẽ là 10%, tức giá của xăng và dầu Dung Quất cao hơn hàng ngoại nhập 10%. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất.
 
Việc
Với việc chênh lệch thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Dung Quất sẽ cao hơn giá nhập khẩu
 
Việc chênh lệch thuế nhập khẩu đối với 2 sản phẩm này sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bởi đã có khách hàng của BSR đã đề nghị BSR có phương án giảm giá dài hạn cho 6 tháng cuối năm để ngang bằng với giá xăng nhập từ Hàn Quốc.
 
Với mức chênh lệch thuế suất quá lớn như hiện nay sẽ khiến các khách hàng đầu mối tập trung nhập khẩu và sản phẩm của BSR, dù đã giảm mức phụ phí, cũng không thể cạnh tranh được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của BSR, gây ra rủi ro tiềm năng do việc tồn kho của Nhà máy tăng cao, mà còn ảnh hưởng tới lợi ích chung của Việt Nam. Bởi xăng dầu tiêu thụ không được, nếu tồn kho lớn sẽ dẫn đến ùn ứ, hết chỗ chứa thì phải tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng tới cuộc sống của 1.400 lao động.
 
Quan trọng hơn, ngừng sản xuất sẽ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia bởi nhà máy đáp ứng 35% sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước. Vì vậy, PVN/BSR nhiều tháng nay đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền hạ thuế suất thuế nhập khẩu bằng với xăng dầu nhập khẩu để đảm bảo cho Lọc dầu Dung Quất hoạt động công bằng và ổn định.
 
Theo ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện nhà máy vận hành rất an toàn và ổn định ở 102% công suất (20.000 tấn/ngày) đáp ứng từ 30-40% nhu cầu cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, nếu thuế suất không được điều chỉnh ngang bằng với thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thì sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh được, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, kinh doanh của nhà máy.. 
 
Ưu đãi trong luật định
 
Theo lãnh đạo BSR, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác... là hợp lý. Bởi Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27.7.2012 của Bộ Tài Chính nêu rõ: “Doanh nghiệp có thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% được kéo dài thêm không quá 30 năm đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao theo quy định của pháp luật nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”. 
 
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đương nhiên là dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao được Quốc hội, Chính phủ quy định ở các văn bản luật, nghị định. Như vậy, NMLD Dung Quất được hưởng ưu đãi cao nhất với mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 30 năm là việc được luật pháp cho phép.
 
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện vẫn hoạt động ổn định ở 102% công suất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện vẫn hoạt động ổn định ở 102% công suất
 
BSR được hưởng chính sách ưu đãi nói trên là từ chủ trương, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước vào địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Ngãi, đồng thời xây dựng NMLD Dung Quất để đảm bảo an ninh năng lượng, xây dựng ngành công nghiệp cả nước phát triển. 
 
Tuy nhiên, lọc dầu là ngành công nghiệp mới mẻ, chưa từng phát triển ở Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu thông lệ quốc tế, Chính phủ Việt Nam cho phép Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất giữ lại 3, 5 và 7% mức thuế suất thuế nhập khẩu (có thời hạn đến hết 2017). So với mức thuế suất thuế nhập khẩu lên tới 30 – 35% áp cho từng mặt hàng thì việc Chính phủ giảm cho Lọc dầu Dung Quất với tỷ lệ 3 – 7% là mức hợp lý.
 
Cũng theo BSR thì việc Chính phủ ưu đãi cho Lọc dầu Dung Quất cơ chế 3 – 5 – 7% không ảnh hưởng đến giá bán. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với xăng dầu Dung Quất. Trong khi, số tiền thuế thu từ cơ chế ưu đãi đó chính là vốn lưu động của Nhà nước cấp cho doanh nghiệp để gián tiếp trợ lực cho Lọc dầu Dung Quất ổn định sản xuất.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 

.