Cánh đồng mẫu lớn- Động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thành công

01:10, 28/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) không phải là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nó là nhiệm vụ then chốt nhằm chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

TIN LIÊN QUAN

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào thay thế cho những giống lúa đại trà, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đó là mục tiêu hướng đến của cánh đồng mẫu lớn (CĐML).
 
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi, vụ hè thu năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa tổ chức thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 20ha tại cánh đồng Trà Bộ, HTXNN La Hà xã Nghĩa Thương. Mô hình đã thu hút 116 hộ nông dân tham gia và sử dụng giống lúa thuần TBR45 sản xuất. Đây là mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của huyện Tư Nghĩa chọn thực hiện khi xây dựng NTM.
 
Cũng trong vụ hè thu này, HTXNN La Hà đã phối hợp với Công ty giống Vật tư Nghệ An thực hiện cánh đồng mẫu lớn 20ha, gieo sạ giống VNA21.

 

Cánh đồng mẫu lớn đã giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất.
Cánh đồng mẫu lớn đã giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất. Ảnh: Internet
 
Ông Võ Đình Chí- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Khi tuyên truyền chủ trương này thì nhiều hộ còn hoài nghi so sánh hơn kém, nhưng khi bắt tay vào thực thi nhiệm vụ họ mới nhận ra hiệu quả ngoài mong đợi. Từ đó làm cho nông dân thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm... tạo nên một CĐML thành công đầu tiên của huyện”.
 
Các hộ dân được doanh nghiệp hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, được chuyển giao kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng. Đó là giảm lượng phân, thuốc, giống; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
 
Kể từ khi thực hiện mô hình, bà con nông dân thực hiện theo kiểu “kỷ luật đồng ruộng”, tuân thủ mọi quy trình từ xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nếu như các vụ trước, mỗi người chọn giống theo lối mòn thì vụ này bà con đồng loạt xuống giống VNA21 và TBR45.
 
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiền- nông dân viên tham gia mô hình cho hay, CĐML đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân chúng tôi. Từ khi tham gia mô hình, chúng tôi bỏ hẳn những thói quen không cần thiết, đặc biệt là bón phân, phun thuốc bừa bãi.
 
Nhờ chăm sóc, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật mà chi phí đầu tư vào giống, phân bón giảm. Mặc dù trong quá trình sản xuất gặp nắng nóng khô hạn, một số sâu bệnh phát sinh gây hại, nhưng năng suất lúa của giống TBR45 đạt từ 62,5 tạ/ha, trong khi đó lúa sản xuất đại trà năng suất chỉ đạt 59 tạ/ha. Đặc biệt, CĐML sản xuất với giống VNA 21 đã cho năng suất vượt trội, đạt 67 tạ/ha, cao hơn 12 tạ/ha so với giống lúa Khang Dân 18 cấy tại địa phương.  Lợi nhuận mang lại 6,2 triệu đồng/ha, tăng 3 triệu đồng/ha so với lúa sản xuất ngoài mô hình.
 
Điểm khác biệt rõ nét nhất mà mô hình mang lại cho bà con nông dân là ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, né được rầy, sâu bệnh, giảm lượng thuốc BVTV, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Song việc đưa cơ giới hoá như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp vào trong khâu làm đất và thu hoạch, đã giúp giảm công lao động cũng như áp lực nhân công cho bà con mỗi khi vào vụ sản xuất đại trà. 
 
Mô hình CĐML cũng là mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng GAP. Doanh nghiệp cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc BVTV đến thẳng người nông dân, không qua trung gian) và doanh nghiệp thu mua lúa hoặc doanh nghiệp đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân.
 

 

Sản xuất và thu hoạch thủ công
Sản xuất và thu hoạch thủ công không giải phóng được sức lao động và không hạ được giá thành sản phẩm.
 
 
Ông Trần Thiên Thanh- Trường phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa phấn khởi chia sẻ: “Với những thành công của mô hình có thể khẳng định con nông dân đã bắt đầu thay đổi nhận thức và thói quen canh tác manh mún, lạc hậu trước kia sang sản xuất tập trung, khoa học hơn. Từ những mô hình thí điểm này, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trong các vụ tới”.
 
Rõ ràng việc thực hiện mô hình CĐML đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đây có thể nói là bước đột phá, là động lực thúc đẩy xây dựng NTM thành công. Nếu việc này không thực hiện thì sản xuất nông nghiệp khó bề phát triển tốt hơn. 
 
Bởi lẽ, lâu nay nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, gieo cấy, bón phân theo ngẫu hứng. Vật tư nông nghiệp đội giá vì qua nhiều khâu trung gian. Doanh nghiệp thì chỉ biết bán sản phẩm lấy tiền ngay. Các nhà khoa học, cơ quan chức năng thì chỉ đạo chung chung.
 
Mặt khác, nông dân thì sở hữu những thửa ruộng có diện tích nhỏ, lại không có đường giao thông, nên không đưa cơ giới hóa vào được. Như thế không giải phóng được sức lao động và không hạ được giá thành sản phẩm. 
 
Ví như trên diện tích 1 sào lúa, nếu thu hoạch thủ công, nông dân phải bỏ ra 400- 500 nghìn đồng để thu hoạch, trong khi đó, sử dụng bằng máy gặt đập liên hợp đã giảm được hơn 50% giá thành. 
 
Hiệu quả việc triển khai mô hình là rõ ràng, bởi cách làm này đã giúp bà con giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nhưng quan trọng hơn cả là đã làm cho người nông dân dần thay dổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, để hướng đến nền sản xuất hàng hoá. 
 
Trong buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi vừa qua tại xã Nghĩa Thương về chuyên đề xây dựng NTM, nhiều bà con nông dân bày tỏ rất tâm đắc với mô hình và mong muốn được nhân rộng để nhiều bà con được hưởng lợi. Vì thế, các cấp, ngành, Nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh mô hình, giúp người nông dân trong chuyển đổi sang nền sản xuất hiện đại, tăng thu nhập, thúc đẩy chương trình xây dựng NTM thành công.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.