Thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi: Những tín hiệu vui

10:07, 10/07/2012
.

(QNĐT)- Nếu như năm 2011, tình hình thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi bị chững lại, nếu không muốn nói là khá ảm đạm, thì những tháng đầu năm 2012 này, công tác thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi có nhiều tín hiệu đáng mừng, với hàng loạt dự án có quy mô lớn.

TIN LIÊN QUAN


Một sự kiện thu hút đầu tư không chỉ được doanh nghiệp và người dân trong tỉnh mà cả nước quan tâm đó là vào 23/4 vừa qua, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất cho Công ty Sembcorp Utilities (Singapore) với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Và dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) nhằm phát triển dự án Khu phức hợp đô thị, công nghiệp và dịch vụ tại miền Trung Việt Nam.

Điều đáng nói là buổi lễ trao giấy chứng nhận có sự hiện diện, chứng kiến của hai nguyên thủ Quốc gia là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và ngài Tony Tan- Tổng thống nước Cộng hòa Singapore.


Dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất do Công ty Sembcorp Utilities – Singapore làm chủ đầu tư, có diện tích 150 ha, được đầu tư tại KKT Dung Quất. Nhà máy này có công suất khoảng 1.200MW, chạy bằng than đá, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Mục đích của dự án là cung cấp điện cho KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận thông qua mạng lưới điện Quốc gia. Dự kiến nhà máy sẽ vận hành thương mại vào năm 2018 hoặc 2019.

Dự án VSIP Quảng Ngãi được thực hiện bởi Công ty Liên doanh Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (Công ty LD VSIP), là liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp dẫn đầu. Dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi có hai hợp phần: Hợp phần Khu công nghiệp và Hợp phần Khu đô thị - dịch vụ.

 

Cùng với những chính sách ưu
Bên cạnh những chính sách ưu đãi, Quảng Ngãi có những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để thu hút đầu tư. (Trong ảnh: Cảng biển nước sâu Dung Quất).


Hợp phần khu công nghiệp được đầu tư tại xã Tịnh Phong và Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, thuộc quy hoạch KKT Dung Quất mở rộng. Diện tích của dự án này trên 600 ha, giai đoạn 1 khoảng 458 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 155 triệu USD, tương đương khoảng trên 3.200 tỷ đồng.

Theo nhận định của các nhà đầu tư, thì Quảng Ngãi hội đủ nhiều yếu tố hấp dẫn để các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào đây, đó là Quảng Ngãi nằm giữa hai đầu Bắc- Nam, vừa có cảng biển, vừa có đường quốc lộ, vừa có đường sắt Bắc-Nam, cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt từ Chính phủ và của địa phương. Chính vì vậy Quảng Ngãi là địa điểm lý tưởng cho các công ty muốn mở rộng thị trường đến đến cả hai miền Nam - Bắc và khu vực miền Trung rộng lớn.

Ngoài ra, từ Quảng Ngãi, các doanh nghiệp có thể mở rộng tiếp cận thị trường sang Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia. Theo đại diện VSIP tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới đây thì các ngành công nghiệp chủ lực sẽ được đầu tư tại VSIP Quảng Ngãi bao gồm: thực phẩm-nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng, lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho lĩnh vực dầu khí và hóa chất.

 

BQL các KCN đã trao giấy chứng nhận cho dự án
Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có 2 dự án FDI của Nhật đầu tư vào Quảng Ngãi. (Ảnh: BQL các KCN trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án linh kiện điện tử thuộc công ty TNHH điện tử Foster).


Để đón đầu dự án VSIP, tháng 5 vừa qua, Ban quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án FDI của Nhật vào Khu công nghiệp Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh với tổng vốn đăng ký mới là 9,6 triệu USD. Dự án thứ nhất là dự án Sản xuất linh kiện điện tử, gia công linh kiện và các sản phẩm điện tử dùng để sản xuất tai nghe các loại của Chi nhánh công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng tại Quảng Ngãi.

Dự án thứ hai là dự án KIZUNA do Công ty cổ phần KIZUNA Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà xưởng, nhà văn phòng, các công trình phụ trợ phục vụ cho các nhà đầu tư thuê để sản xuất công nghiệp. Đây là 2 dự án sử dụng rất nhiều lao động với khoảng 4.000-5.000 lao động.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, BQL KKT Dung Quất cũng đã cấp phép cho hai dự án cảng biển là dự án  Bến chuyên dùng phục vụ chung KKT Dung Quất và Dự án Bến cảng số 2-Cảng tổng hợp Dung Quất kết hợp chức năng hoàn thiện tàu, với tổng vốn trên 1.400 tỷ đồng.

 

Trước đó, cuối tháng 2/2012, một đoàn doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Hàn Quốc, Chi nhánh Ulsan (KICOX) đã đến KKT Dung Quất để khảo sát, nắm bắt về những chính sách thu hút đầu tư của Quảng Ngãi. Sau chuyến thăm, một văn bản ghi nhớ được ký kết giữa KICOX và BQL KKT Dung Quất. Theo bản ghi nhớ thì 17 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lọc dầu-hóa dầu-hóa chất; đóng tàu; chế tạo thiết bị công nghiệp nặng và công nghiệp cơ khí phụ trợ cho công nghiệp nặng, cơ khí lắp ráp ô tô… của KICOX sẽ đến khảo sát và tìm cơ hội đầu tư tại Quảng Ngãi trong thời gian sắp tới.

Theo các BQL thì ngoài các dự án được cấp phép mới thì trong 6 tháng đầu năm 2 dự án FDI tại KKT Dung Quất, đó là dự án sản xuất thiết bị công nghiệp nặng của Nhà máy Eastar KIC Việt Nam và dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng của Công ty TNHH Công nghiệp nặng KUMWOO cũng đã được khởi động. Cùng với đó, thì dự án giày Rieker Việt Nam tại KCN Tịnh Phong đang nhập thiết bị, dự kiến quý III đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 2.000 lao động gián tiếp.

Có thể nói, 6 tháng đầu năm, mặc dù không ít doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác thu hút đầu tư ở Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực. Để có được kết quả trên ngoài những điều sẵn có của Quảng Ngãi, thì công tác kêu gọi đầu tư, cải thiện thủ tục hành chính của tỉnh là một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công trên. Đây là tiền đề, động lực để ngày càng có thêm những dự án mới đầu tư vào Quảng Ngãi.

 

M.Toàn

 


.