[Emagazine]. Tận tâm với nghề chính là y đức

02:02, 27/02/2023
.
 

(Baoquangngai.vn)- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", nhiều y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao y đức, hết lòng chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đằng sau những nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân sau khi khỏi bệnh là những trăn trở, lo lắng của người thầy thuốc. Với họ, động lực để gắn bó với nghề chính là sức khỏe và niềm tin nơi người bệnh.

 

 


1. Bác sĩ Lê Cao Vân – Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch, Lão khoa và cán bộ trung cao (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là một trong những thầy thuốc tiên phong triển khai kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền DSA tại Quảng Ngãi. Với mong muốn phát triển những kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, bác sĩ Vân đã tích cực tham gia các lớp đào tạo do bệnh viện cử đi học về kỹ thuật chụp, can thiệp mạch vành.

Từ thuở ban đầu còn bỡ ngỡ đến khi thực hành thành thạo, từng bước đi trên tiến trình này, bác sĩ Vân không khỏi vui mừng khi làm được điều ý nghĩa cho bệnh nhân tỉnh nhà. Kỹ thuật DSA là can thiệp xâm lấn tối thiểu theo xu hướng của thế giới, giúp bệnh nhân không phải trải qua đại phẫu, ít đau, phục hồi sức khỏe nhanh chóng, an toàn và hiệu quả điều trị tương đương với phẫu thuật. Từ năm 2018 đến nay, bác sĩ Vân và đồng nghiệp đã chẩn đoán chính xác, điều trị khỏi bệnh cho gần 2.000 người bị nhồi máu cơ tim và các bệnh liên quan đến tim mạch, mạch máu.

 

“Những bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim, trước đây bệnh nhân phải lên tuyến trên điều trị. Thấy nhiều bệnh nhân đi ra ngoài tỉnh điều trị tôi rất trăn trở. Nhưng từ ngày triển khai được kỹ thuật mới thì bệnh nhân tin tưởng ở lại, nhiều ca được cứu sống rất ngoạn mục”, bác sĩ Lê Cao Vân chia sẻ.

Mỗi khi có ca bệnh cấp cứu, bác sĩ Vân và đồng nghiệp luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Vân tâm sự, trong điều trị nhồi máu cơ tim, thời gian rất quan trọng, vì đó là sự sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nên chúng tôi rất đồng lòng, tiếp tục học hỏi để triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới giúp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Chứng kiến bệnh nhân từ cơn thập tử nhất sinh dần hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường, đó là niềm vui, sự đền đáp xứng đáng sau chuỗi ngày trăn trở không có được giấc ngủ ngon, hay bữa cơm đúng giờ của người thầy thuốc.

2. Tại Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh), có những người mẹ mặc áo Blouse trắng vẫn ngày đêm miệt mài chăm sóc các bé sinh non. Nơi này được ví là địa chỉ trao gửi niềm tin, hy vọng và sự sống cho rất nhiều sinh linh non nớt khi chào đời chưa đủ ngày, đủ tháng.

Bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất phức tạp, thường diễn tiến trở nặng rất nhanh. Thế nên, quá trình theo dõi, điều trị và chăm sóc bé của bác sĩ Nguyễn Trần Thu Hậu và đồng nghiệp luôn vất vả hơn bình thường. Chị và đồng nghiệp đã chăm sóc, thương yêu trẻ sơ sinh như chính con ruột của mình.

 

“Đâu cần phải lập gia đình, sinh con thì mới cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng. Làm việc ở khoa, tôi như cảm nhận đầy đủ cảm giác ấy. Các bé vừa sinh ra đã kém may mắn vì không được sưởi ấm bên mẹ, không được mẹ bế bồng, mà phải nằm trong lồng kính, xung quanh là dây thuốc, máy móc lạnh lẽo. Bác sĩ và điều dưỡng ở đây sẽ thay cha mẹ ruột của các con chăm sóc, yêu thương và nâng niu từng nhịp tim, hơi thở đầu đời của các bé”, bác sĩ Hậu trải lòng.

Có những hôm trắng đêm cấp cứu cho các bé, có những lần quên cả bữa ăn vì lo theo dõi sát các chỉ số sức khỏe của các con. Bác sĩ Hậu như quên đi những mệt nhọc, vì biết rằng công việc mình đang làm có ý nghĩa đối với cuộc sống của trẻ sơ sinh, gia đình và ngay cả bản thân người thầy thuốc.

Những chiếc lồng kính dù ấm áp, an toàn cũng không thể thay thế vòng tay yêu thương của cha mẹ. Bác sĩ Hậu luôn tâm niệm, phải đưa các con rời khỏi lồng kính, rời giường hồi sức, khỏe mạnh trở về với gia đình càng sớm càng tốt.

3. Đồng hành cùng các y, bác sĩ đang trực tiếp chữa bệnh cứu người, thì những y, bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vất vả, rủi ro không kém. Nhiều năm trong nghề, mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, bác sĩ Phạm Thị Xuân Phi – Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn) cùng đồng nghiệp luôn là những người tiên phong đi vào tâm dịch và tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh.

Đặc thù của ngành y tế dự phòng rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, trong khi hiệu quả công việc không thể đong đếm trong ngày một ngày hai. Vượt qua những lo lắng, bác sĩ Phi đã lăn xả vào công việc bằng trách nhiệm và lòng yêu nghề.

 

“Dự phòng có tốt thì mới không có dịch bùng phát. Dự phòng còn bao gồm cả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại tuyến y tế cơ sở để giảm thiểu chi phí y tế cho người dân. Mình là cán bộ y tế dự phòng thì phải đi trước, đón đầu, xông vào vùng dịch đầu tiên để nắm bắt tình hình, dự báo những tình huống để chủ động tham mưu cấp trên và chỉ đạo anh em cơ sở giám sát, xử lý kịp thời”, bác sĩ Phi chia sẻ.

Khó có thể kể hết những gian khổ của các y, bác sĩ dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… Nhưng họ vẫn tận tâm gắn bó với nghề. Đó là sự hy sinh, cống hiến rất lớn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

 

4. Mỗi nghề đều có những câu chuyện đặc biệt. Nghề y càng đặc biệt hơn khi liên quan đến sức khỏe con người. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc là nhận được những tình cảm chân thành của người bệnh và gia đình bệnh nhân; được xã hội công nhận những đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp cao cả là chữa bệnh, cứu người.

Nói về những đóng góp của ngành y đối sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên ghi nhận, thời gian qua, đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Sự chuyển biến rõ nét nhất là ở trình độ chuyên môn, thái độ ứng xử và tinh thần tiếp thu, cầu thị để thay đổi tích cực hơn.

 

Tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo và đầu tư cho ngành y để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong thời gian đến, ngành y tế của tỉnh sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân bằng cách thay đổi thái độ phục vụ và tận dụng tối đa năng lực hiện có của các y, bác sĩ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Nghề y là một nghề thật đặc biệt và cao quý! Bởi sự sống của mỗi con người phụ thuộc rất nhiều vào tấm lòng và tài đức của thầy thuốc. Ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày tôn vinh ngành y, mà còn là ngày nhắc nhở mọi người hãy sẻ chia với những khó khăn, vất vả, hy sinh của các y, bác sĩ. Bằng tất cả sự tận tâm, nhiệt tình, những người mang sứ mệnh to lớn đã và đang vun đầy câu chuyện y đức.

Thực hiện: T.PHƯƠNG – T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 02:02, 27/02/2023