"Sống chậm" những ngày cách ly xã hội

07:04, 06/04/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Những ngày cách ly toàn xã hội, nhịp sống chậm lại, đường vắng người qua lại, các hàng quán đóng cửa. Mọi người có thời gian “sống chậm” bên gia đình, cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Sống chậm bên gia đình

Những này cách ly toàn xã hội, quán cà phê của gia đình đóng cửa, không gian cuộc sống của bà Nguyễn Thị Minh Bạo, ở phường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi thu hẹp lại trong gia đình.

Vườn rau xanh tự trồng trên sân thượng, bên hiên nhà bà Bạo phát huy giá trị trong những ngày phải hạn chế ra khỏi nhà để phòng dịch. Bà  Bạo dành phần lớn thời gian để chăm sóc vườn rau.

Vườn rau có đủ loại nào là mồng tơi, xà lách, khổ qua, bồ ngót Nhật, các loại cây thuốc nam… cho nhu cầu của cả nhà, thi thoảng dư bà Bạo còn mang biếu người thân.
 
Bà Bạo dành phần lớn thời gian để chăm sóc vườn rau của gia đình.
Bà Bạo dành phần lớn thời gian để chăm sóc vườn rau của gia đình.
 
"Những ngày hạn chế ra đường thì mình chăm sóc rau, vừa có rau cho mình và con cái ăn, vừa tinh thần thư thả, không có gì phải buồn” - bà Bạo chia sẻ.

Chị Trần Thị Bích Hiền, hàng xóm bà Bạo công tác trong ngành ngân hàng nên vô cùng bận rộn, ít có thời gian chăm sóc cho gia đình. Quãng thời gian này chị Hiền xem là “sống chậm” bên gia đình chất lượng nhất từ trước tới nay.

Đây là khoảng thời gian quý giá bù đắp cho con sau những ngày bận rộn và dạy cho con những kỹ năng mới. Chị Hiền tìm mua rất nhiều sách bổ ích cho con, tậu ngay cho mình một chiếc máy may tay để may quần áo mặc ở nhà cho con.

Có thời gian, ngày ba bữa chị Hiền trổ tài nấu nhiều món ngon, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cả nhà. Món ăn dù không màu sắc rực rỡ như ở ngoài nhưng luôn ấm áp tình yêu thương. Con nghỉ học nên ngoài thời gian làm việc, hai vợ chồng cũng dành nhiều thời gian chơi cùng con.
 
"Thời gian cách ly xã hội vẫn đảm bảo việc nước, vừa được việc gia đình. Bữa ăn đầy đủ hơn, mọi người có thời gian nói chuyện nhiều hơn, hiểu nhau hơn. Nhờ “sống chậm” trong mùa dịch mà cuộc sống chất lượng hơn ngày thường” - chị Hiền bộc bạch.

Khuyến khích con đọc sách
 
Ngoài thời gian học online, chị Tuyết Lan, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) không muốn con lãng phí thời gian bên chiếc smartphone với những trò chơi vô bổ, chị cũng mua cho con nhiều sách, truyện tranh, muốn con học nhiều điều trong những trang sách.
 
Trẻ được bố mẹ hướng đến trang sách.
Trẻ được bố mẹ hướng đến trang sách nhiều hơn thay vì  xem tivi, điện thoại.

Chị mua cho con mỗi đứa 10 cuốn sách và truyện. Chúng đọc hết số lượng ấy chị lại tiếp tục đến nhà sách tìm mua sách hoặc đặt hàng qua mạng những cuốn sách hay. Những cuốn sách chị chọn là sách gần gũi với lứa tuổi. Để khuyến khích con đọc sách, chị và và ông xã cũng mua sách về đọc để làm gương cho con trước.

Chị Lan kể: “Mình khuyến khích con đọc sách ở mọi lúc mọi nơi như trên gường, trên ghế sopha, ngoài ban công, bậc thềm cửa… Những ngày đầu, hai đứa cứ bảo chán, đọc vài phút lại mở tivi, điện thoại ra xem, nhưng đọc vài hôm chúng lại thấy hay nên tự giác lấy sách ra đọc khi rãnh”.

Trong dịch Covid-19, nghỉ học tránh dịch, tránh tập trung nơi đông người, các hàng quán tụ điểm vui chơi giải trí đóng cửa, nhiều bạn trẻ cũng chọn cách “sống chậm”.

Em Bích Trâm, sinh viên Trường ĐH Tài chính kế toán, ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cho hay, thời gian sinh viên nghỉ tránh dịch quá lâu em chọn sách làm bầu bạn.
 
"Sống chậm" giúp các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn.
 
Bố mẹ em đều công tác trong cơ quan nhà nước nên có tủ sách rất to, nhưng lâu nay em không chú tâm lắm vì có nhiều kênh giải trí. Trong 15 ngày cách ly xã hội, Trâm lấy mục tiêu sẽ đọc xong 5 cuốn sách. Với mỗi cuốn sách, tại những đoạn tâm đắc, Trâm đều dùng bút nổi tô màu xanh và gấp mép sách để đánh dấu.
 
“Nay nghỉ tránh dịch em lựa nhiều quyển sách phù hợp với mình ra đọc lại thấy rất ý nghĩa. Em thích cuốn đắc nhân tâm, cách sống của người Nhật… Mỗi cuốn sách chứa đựng những câu chuyện và những triết lý bổ ích của cuộc sống” - Trâm nói.
 
Những ngày cách ly xã hội, mọi người đều lo lắng về dịch bệnh, nhưng cũng giúp chúng ta nhận ra những giá trị cuộc sống mà bấy lâu nay bị lãng quên vì nhịp sống bộn bề, hối hả. “Sống chậm” để bình tĩnh thích nghi và cùng nhau chung tay vượt qua dịch bệnh.

Bài, ảnh: C.P

.