Quản lý cây xanh TP.Quảng Ngãi: Thực trạng và giải pháp

02:04, 02/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi đang mở rộng địa giới hành chính hướng về phía biển và đang phấn đấu lên đô thị loại II. Vì vậy, vấn đề quản lý cây xanh đô thị tại thành phố càng phải được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, qua khảo sát, các cơ quan chức năng cho biết, đây là một trong những lĩnh vực còn nhiều bất cập ở TP. Quảng Ngãi hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Thực trạng...

Theo lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp, nhìn chung TP.Quảng Ngãi hiện nay đã cơ bản xây dựng được hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến đường tạo nên mảng xanh phục vụ lợi ích cộng đồng.

 

Đường Lê Lợi là một trong những con đường có nhiều cây xanh phù hợp với cảnh quan, môi trường TP.Quảng Ngãi.
Đường Lê Lợi là một trong những con đường có nhiều cây xanh phù hợp với cảnh quan, môi trường TP.Quảng Ngãi.


Hệ thống cây xanh của thành phố đa dạng về chủng loại. Một số tuyến đường mới đã thiết kế về cây xanh rất bài bản như đường Lê Lợi và đường Phan Đình Phùng mới... Có thể nói đây là một trong những con đường kiểu mẫu về trồng cây xanh đường phố tại TP.Quảng Ngãi, tạo nên cảnh quan hài hòa, đẹp mắt.

Tuy vậy, trong thành phố hiện nay có rất nhiều tuyến đường trồng cây xanh chưa đạt yêu cầu. Cụ thể là trên một số tuyến đường ngắn, nhưng lại trồng quá nhiều loại cây xanh tạo nên sự thiếu đồng bộ; việc chăm sóc chưa thường xuyên và thiếu đầu tư như đường Hùng Vương và Phan Đình Phùng (cũ). Tại một số tuyến đường, nhiều loại cây do Nhà nước và người dân đưa ra trồng nhưng chưa phù hợp như cây Hoàng Nam, cây Viết, cây Sanh, cây Trứng cá...

Đa số các tuyến đường khoảng cách giữa các cây chưa có sự đồng đều, chưa  tạo nên sự đồng nhất về hệ thống cây xanh đường phố. Một số tuyến đường cây có hương thơm đậm như hoa sữa, nhưng trồng với mật độ dày như tại đường Phan Đình Phùng (cũ). Một số cây chết hoặc sắp chết vẫn tồn tại mà chưa có biện pháp thay thế. Một số tuyến đường vỉa hè quá hẹp, nhưng lại trồng cây có tán lớn và quá cao như đường Trần Hưng Đạo. Đa số các tuyến đường hệ thống cây xanh nằm dưới đường dây điện phải thường xuyên cắt tỉa, nên không phát huy được tác dụng. Tại một số nơi giao nhau giữa 2 đoạn đường vẫn trồng cây nên hạn chế tầm nhìn, như đoạn giao nhau giữa đường Lê Lợi và Võ Thị Sáu. Một số nơi cây xanh trồng quá gần cột điện và miệng hố gas gây nguy hiểm...

... Và giải pháp

Nhữnng tồn tại nêu trên cho thấy, việc quản lý cây xanh đô thị ở TP.Quảng Ngãi cần chặt chẽ hơn; bao gồm công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc, bảo vệ... Không nên để kéo dài hiện trạng như hiện nay.

  Theo ông Trần Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Ngãi: Để thực hiện tốt công tác quản lý cây xanh đô thị thì trước mắt TP.Quảng Ngãi cần  thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Về công tác quy hoạch, các đơn vị chức năng cần rà soát lại quy hoạch tổng thể của TP. Quảng Ngãi, để xem xét quỹ đất dành cho cây xanh đô thị, từ đó có những điều chỉnh hợp lý tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn do tỉnh và Nhà nước ban hành. Đồng thời, cần ban hành các văn bản quy định thống nhất về chủng loại, quy cách trồng trên một số tuyến đường chính. Kiên quyết cấm trồng đối với những loại cây xanh không phù hợp trong phạm vi thành phố. Quy định cụ thể về tỷ lệ cây xanh khi xây dựng các trục đường mới hoặc các khu nhà cao tầng, chung cư...

Về giải pháp kỹ thuật, tiếp tục rà soát, chỉnh trang lại cây xanh đường phố đối với một số tuyến đường cũ. Thay thế những cây đã chết và cây bị bệnh không còn khả năng sinh trưởng. Đối với tuyến đường mới, lựa chọn những cây phù hợp với tiêu chuẩn cây xanh đường phố theo quy định và phù hợp với địa chất khí hậu của địa phương như các loại cây dầu rái, sao đen, long não, giáng hương, xà cừ, Osaka đỏ, me, phượng tím, đuôi công,...

 Về vị trí và khoảng cách cây trồng, điều chỉnh lại theo đúng vị trí, khoảng cách thiết kế ở tuyến đường cũ dựa trên Thông tư số 20/2005/TT-BXD. Đối với tuyến đường mới thì chú ý thiết kế vỉa hè đủ lớn hơn 3m để tạo không gian cho cây xanh và người đi bộ. Một số tuyến đường cũ, khoảng cách vỉa hè quá hẹp thì nên trồng cây bụi hoặc cây tạo cảnh, dây leo. Đối với một số tuyến đường mật độ cây dày, có mùi hương đậm như hoa sữa thì nên thay thế chọn lọc bằng một vài loại cây khác để giảm mùi. Bên cạnh đó, cần rà soát để loại bỏ cây xanh trồng tại các điểm giao nhau giữa các tuyến đường để tạo tầm nhìn thông thoáng cho người tham gia giao thông....

Trong công tác quản lý, cần phân cấp cụ thể cho từng đơn vị có chức năng để tham gia quản lý cây xanh đô thị. Cần mở rộng mảng thiết kế, trồng, chăm sóc, duy tu cho tất cả các đơn vị tư nhân tham gia. Việc đánh số thứ tự cây xanh trên toàn thành phố, đưa số liệu vào quản lý; treo biển định danh cây xanh tại công viên và một số tuyến đường chính để người dân biết. Ngoài ra, cần bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý; tuyên truyền về chính sách cây xanh và môi trường trong trường học và nhân dân để họ cùng tham gia giám sát và quản lý; khuyến khích người dân tham gia trồng cây xanh bằng cách cung cấp giống và hướng dẫn họ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, giám sát...
     

Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.