Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

05:04, 04/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh và khó lường như hiện nay là một trong những nội dung thể hiện hướng tiếp cận mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế.
[links()]
 
Chủ động thích ứng  
 
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đối mặt với nhiều tác động, thách thức từ sự giảm sâu của tăng trưởng và chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới. Vì vậy, chủ động thích ứng để giữ vững độc lập, tự chủ là một yêu cầu cấp thiết. 
 
Công nhân may tại một doanh nghiệp ở KCN VSIP Quảng Ngãi trong giờ làm việc.                  Ảnh: PV
Công nhân may tại một doanh nghiệp ở KCN VSIP Quảng Ngãi trong giờ làm việc. Ảnh: PV
Trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, cần cân nhắc thận trọng quá trình thực hiện các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. “Cần khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ bên ngoài, chỉ thấy trước mắt mà không thấy tổng thể, lâu dài. Cần phải kiên quyết chống lợi ích nhóm làm tổn hại lợi ích quốc gia; đa dạng hóa nguồn lực, cân bằng chiến lược phát triển với các đối tác khác nhau trên cơ sở đảm bảo tính chủ động, tự quyết, không phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào”, ông Hội nhấn mạnh. 
 
Tư tưởng độc lập, tự chủ kinh tế trong điều kiện mới, vừa bắt kịp xu thế chung, vừa bảo đảm kinh tế đất nước phát triển vững chắc, vì mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cần phải được quán triệt. Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành, lĩnh vực có thể mang lại hiệu quả, chất lượng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực trong nước thông qua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, “không thu hút FDI bằng mọi giá làm ảnh hưởng tới an ninh, chủ quyền quốc gia” luôn là quan điểm  nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. 
 
Đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra cho các nước phát triển, gồm cả Việt Nam nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có an sinh xã hội và sự tác động đến phát triển kinh tế lâu dài. Ứng phó với cuộc khủng hoảng này, các nước trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng vượt qua khó khăn và giải quyết những vấn đề chung. Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia cao cấp về hợp tác và hội nhập khu vực, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, tự lực, tự cường sẽ giúp chúng ta gây dựng được sức mạnh dân tộc. Tự cường sẽ giúp chúng ta tự tin hơn khi hội nhập. Đặc biệt là, tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế và mở rộng an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng theo hướng bền vững. Việc này cần huy động thêm các nguồn lực từ bên ngoài, từ các đối tác phát triển và khu vực tư nhân. 
 
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ là nhiệm vụ quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Đây là một trong 3 nội dung cốt lõi để hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều đó, cần kiên định tinh thần độc lập, tự chủ trong xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực quốc gia.

Nhận diện những thách thức trong thế giới đầy biến động là cách để chúng ta củng cố, nhân lên sức mạnh nội sinh, phát huy nguồn lực con người, sức mạnh văn hóa Việt, trí tuệ Việt trong cuộc cách mạng 4.0. Từ đó, cụ thể hóa khái niệm “độc lập, tự chủ, tự cường” trong quá trình triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, tiếp tục phát triển kinh tế đất nước.

 
Theo PGS-TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, khi thế giới có những biến động đến mức có thể thay đổi cục diện phát triển thì tinh thần tự lực, tự cường càng trở nên cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Để tự lực, tự cường, tự chủ, trước hết phải đoàn kết toàn dân tộc. Thứ hai, cần nâng cao thực lực, kiến tạo giá trị trong toàn xã hội, đặc biệt về thể chế, con người, doanh nghiệp và văn hóa. Kiến tạo giá trị mới ở thời đại mới là rất quan trọng bởi mô hình cũ đã mất dần khả năng kiến tạo giá trị, dù hay đến mấy cũng chỉ là sản phẩm của ngày hôm qua.
 
Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm chống dịch, nền kinh tế của đất nước bị tác động nặng nề. Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 10/2021 đã đáp ứng được mong mỏi của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế bắt đầu phục hồi, tăng trưởng ngay trong quý IV/2021, kéo theo GDP cả năm tăng trưởng 2,58%. Nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch, công nghiệp, GDP tăng trưởng khá là nhờ tinh thần chủ động thích ứng, tự chủ trong điều hành. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022. 
 
Phát huy truyền thống dân tộc 
 
Độc lập, tự chủ, tự cường là truyền thống được hun đúc lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tinh thần ấy càng phải phát huy trong thực thi trọng trách mới “vì một nước Việt Nam hùng cường”. Hơn lúc nào hết, phải kết hợp tinh thần dân tộc với sức mạnh thời đại; củng cố hơn nữa tinh thần đoàn kết toàn dân, nâng cao năng lực quản trị đất nước của bộ máy công quyền; nắm bắt xu hướng vận động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là xu thế mới về chuyển đổi số và các vấn đề đặt ra về an ninh phi truyền thống... 
 
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái, để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực thi các FTA, đặc biệt là tham gia vào các FTA thế hệ mới, để thông qua quan hệ thương mại với các nước lớn, Việt Nam chủ động đề xuất các sáng kiến, làm chủ khoa học công nghệ, xây dựng được chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu là mục tiêu lớn và lâu dài. 
 
VÂN THIÊNG 
 
 
 

.