Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

08:05, 16/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc là di sản vô giá, là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về ĐĐK toàn dân tộc, đồng thời tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà Bác có trên 400 bài nói và bài viết về đoàn kết. Bởi theo Bác, “đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”... 
 
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển của đất nước.  ẢNH: H.HÀ
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển của đất nước. ẢNH: H.HÀ
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng là tiền đề ĐĐK toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh ĐĐK toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Vì lẽ đó mà, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Vì vậy, khối ĐĐK toàn dân tộc xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy lập trường giai cấp công nhân để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giai cấp - dân tộc.
“Học tư tưởng, đạo đức đoàn kết Hồ Chí Minh là “Gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta”.
 
Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG
Coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
 
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 90 năm qua, kể từ khi Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là hiện thực sinh động khẳng định nội dung phát huy sức mạnh ĐĐK toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một bài học, nguyên tắc căn bản trong đường lối cách mạng của Đảng. Sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc.
 
 Chính vì phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nên chúng ta làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, tư tưởng “đại đoàn kết”, “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt các kỳ đại hội của Đảng, được coi là nhân tố quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết 5 bài học lớn của cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
 
Trong giai đoạn hiện nay, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Mới đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngoài việc đồng lòng chống dịch, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã ủng hộ khoảng 2.000 tỷ đồng để cùng chung tay chống dịch. Điều này cho thấy, một lần nữa “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” đã sống dậy và lan tỏa hết sức mạnh mẽ.
 
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi, thời cơ lớn, nhưng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ. Hơn bao giờ hết, việc tăng cường khối ĐĐK toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được phát huy. Để từ đó, tạo nên sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, của dân tộc, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
 
HOÀNG HÀ
 
 
 
 

.