Nhận diện hành vi tham nhũng - Kỳ cuối: Cuộc đấu tranh đầy cam go

02:10, 27/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Quảng Ngãi được các cấp ủy, chính quyền; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị... tập trung triển khai thực hiện và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần có thêm những giải pháp để việc triển khai thực hiện PCTN đạt hiệu quả cao hơn.
TIN LIÊN QUAN

Chưa sâu sát, kịp thời

Theo lãnh đạo TAND tỉnh, chủ thể của tội phạm tham nhũng thường là những người có chức quyền; hiểu biết pháp luật, có quan hệ xã hội rộng, nên hành vi phạm tội rất tinh vi; người phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi... Do đó, việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, công tác phòng ngừa, đấu tranh PCTN chưa được thực hiện một cách sâu sát, kịp thời.
Xét xử các bị cáo sai phạm trong thực hiện chính sách bệnh binh đối với quân nhân tại huyện Ba Tơ.                           ẢNH: PV
Xét xử các bị cáo sai phạm trong thực hiện chính sách bệnh binh đối với quân nhân tại huyện Ba Tơ. ẢNH: PV
Như vụ tiêu cực xảy ra tại Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi làm thất thoát kinh phí hàng tỷ đồng. Qua điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Phó cơ quan Tổ chức - Nội vụ TP.Quảng Ngãi và một người nguyên là nhân viên Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi. Vụ việc trên xảy ra từ rất lâu, nhưng các cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện, khiến dư luận bức xúc. Hay như vụ sai phạm trong thực hiện chính sách bệnh binh đối với quân nhân tại huyện Ba Tơ, TAND tỉnh vừa đưa ra xét xử phúc thẩm, tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Thuận 7 năm tù giam; Phạm Văn Noan 6 năm 6 tháng tù giam; Phạm Văn Lộc 6 năm tù giam; Phạm Văn Rin 5 năm tù giam và buộc 4 bị cáo hoàn trả lại cho ngân sách trên 356 triệu đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục, do một số lãnh đạo đơn vị trường học và ngành giáo dục chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, để kế toán, thủ quỹ tham nhũng, hoặc gây thất thoát ngân sách nhà nước. Vụ việc xảy ra tại Trường THCS số 2 Bình Nguyên (Bình Sơn) là một minh chứng. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, kế toán nhà trường đã nâng khống hệ số lương, các khoản phụ cấp của giáo viên, làm khống chứng từ mua sắm... để rút tiền ra khỏi tài khoản của nhà trường và chiếm dụng gần 1 tỷ đồng. Hành vi của bà Phượng đã bị TAND tỉnh kết án 4 năm tù giam. Nguyên kế toán Trường THCS thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) Phạm Thị Thành; kế toán Trường Tiểu học Tây Hà (TP.Quảng Ngãi) Võ Thị Kim Phương thì bị kết án tù về tội “Giả mạo trong công tác” để chiếm đoạt tiền của nhà trường. Nguyên kế toán Trường THCS Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) Lê Thị Kim Chi thì bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”, với số tiền sai phạm trên 700 triệu đồng...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ xảy ra nhiều vụ án tham ô tài sản ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do thủ trưởng các đơn vị này chỉ tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính kế toán và buông lỏng công tác quản lý. Như vụ xảy ra tại UBND xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) với số tiền 573 triệu đồng; UBND xã An Bình (Lý Sơn) trên 350 triệu đồng, Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà gần 1,2 tỷ đồng... Hay như vụ xảy ra tại UBND xã Bình Tân (Bình Sơn), với số tiền sai phạm trên 400 triệu đồng. Qua xét xử, bà Hồ Thị Thu Nga (thủ quỹ) bị kết án 4 năm tù về tội “tham ô tài sản”; nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Tân và kế toán bị kết tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt là vụ tiêu cực tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp dạy nghề Quảng Ngãi. Ông Võ Đình Tâm Chẩn được trung tâm giao thu tiền học phí của học viên, nhưng đã lợi dụng chiếm đoạt tiền học phí gần 1 tỷ đồng. Riêng bà Trần Thị Lệ Chi, nhân viên của trung tâm thì bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”, bị tuyên phạt 15 năm tù. Nguyên kế toán kiêm thủ quỹ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) cũng bị kết án 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, với số tiền trên 1,2 tỷ đồng.

Cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Bên cạnh những địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, thì vẫn còn một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa hiệu quả công tác PCTN. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số đồng chí đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên tự kiểm tra nội bộ, nên chưa phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Phần lớn các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được phát hiện trong thời gian qua chủ yếu qua công tác thanh tra, kiểm tra... Cụ thể, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 6 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, thì phát hiện qua công tác thanh tra (4 vụ), kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng (1 vụ) và qua đơn thư (1 vụ)... Qua đó cho thấy, một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10 (năm 2016) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.

Mặt khác, đối tượng tham nhũng là những người có chức quyền, mối quan hệ rộng, nên nhiều người dưới quyền không dám đấu tranh, tố cáo, mặc dù Bộ Chính trị, Chính phủ và Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc tham nhũng kéo dài, chậm được phát hiện, gây thiệt hại lớn về tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan. “Một số vụ việc sai phạm, tham nhũng trên địa bàn thành phố vừa mới phát hiện, xử lý là bài học lớn đối với cán bộ, đảng viên, viên chức của thành phố, nhất là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị. Do đó, thời gian đến, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác PCTN được tỉnh chỉ đạo trong thời gian qua là thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Từ tháng 8.2018 - 7.2019, toàn tỉnh có 13 đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 155 công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong thực tế thì một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác này. “Giải pháp căn cơ đối với công tác PCTN, lãng phí hiện nay là tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm; xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai đối với những đối tượng sai phạm; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và liêm chính”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết.  

Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo: Tiếp tục công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuyển đổi vị trí công tác; cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng; minh bạch về tài sản, thu nhập; đẩy mạnh công tác CCHC, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo đúng các quy định của pháp luật...

Nhóm PV nội chính


 

.