Như muôn mạch nước nhỏ hoà thành dòng sông lớn- Kỳ 3: Sáng tạo trong tổ chức thực hiện

10:05, 15/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể thấy rằng, việc chăm lo cho nhân dân thoát nghèo, nâng cao mức sống, xây dựng nông thôn mới… được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và sáng tạo.

TIN LIÊN QUAN


Học Bác bằng những việc làm thiết thực

Chỉ thị 03 ra đời như tiếp thêm sức mạnh để các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở các địa phương sáng tạo nhiều giải pháp xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua đó giúp người dân hiểu hơn giá trị về đất đai và thêm gắn bó với ruộng đồng, làng xóm. Đó là cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả của CLB “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). CLB làm theo lời Bác do Hội Nông dân xã phối hợp với Chi bộ thôn Nghĩa Lâm phối hợp thành lập từ năm 2013 đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn về xây dựng nông thôn mới. Ông Hồ Trung, ở thôn Nghĩa Lâm chia sẻ: “Là nông dân, nghe nhiều về Bác nhưng hiểu rõ thì chưa.
 

 

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh biểu dương khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh biểu dương khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Từ khi tham gia CLB, nghe những lời dạy của Bác, bản thân tôi giác ngộ nhiều điều. Vì thế nên khi chính quyền phát động chung tay xây dựng nông thôn mới, kêu gọi người dân tham gia hiến đất mở đường, gia đình tôi đã sẵn sàng cắt đôi mảnh vườn 720m2, đốn chặt trên 200 cây keo nguyên liệu chưa đến kỳ thu hoạch để góp phần thực hiện công việc chung của địa phương…”. Nhờ tính tiên phong, gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, các hội viên CLB đã giúp người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, tạo được những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” trong hội viên hội nông dân và để cụ thể hóa việc “làm theo” Bác một cách thiết thực, hiệu quả, từ tháng 12.2011, Hội Nông dân huyện Sơn Hà đã thành lập mô hình “CLB nuôi heo sinh sản” tại chi hội Nước Bung (thị trấn Di Lăng) với 9 hộ là hội viên nghèo tham gia. Với hình thức hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ là 1 con heo giống để nuôi phát triển kinh tế gia đình và cứ sau đợt sinh sản lứa đầu tiên, mỗi hộ giao lại cho CLB 2 con heo cái tốt nhất đàn để chuyển giao cho các hộ khác cùng nuôi. Đến nay, sau 4 năm thành lập, CLB đã phát triển gần 30 hộ tham gia, gần 70% số hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ mô hình này. Ông Đinh Công Mô - Chủ nhiệm CLB cho biết: Khi thành lập cũng có khó khăn, nhưng nhờ Hội Nông dân huyện, Trạm khuyến nông cử cán bộ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt là sự quyết tâm của hội viên trong CLB nên phong trào nuôi heo sinh sản phát triển mạnh, đem lại niềm vui thật sự cho hội viên nông dân nghèo.   

Cũng xuất phát từ cuộc sống còn nhiều khó khăn của hội viên, Hội Phụ nữ xã Long Môn (Minh Long) đã xây dựng mô hình “Giúp nhau ngày công lao động” nhằm huy động tối đa nhân công, chị em cùng giúp nhau làm kinh tế. Với 248 hội viên nhưng có gần 50% nằm trong diện hộ nghèo, đời sống chị em còn rất nhiều khó khăn thế nên khi triển khai mô hình này, sẽ giúp các chị em hỗ trợ nhau làm kinh tế, giảm chi phí thuê nhân công. Hội phụ nữ xã có 9 chi hội, mỗi khi hội viên nào thu hoạch, hay cần nhân công để canh tác thì liên hệ và chi hội trưởng sẽ đến nhà các hội viên còn lại trong hội để thông báo. Các hội viên cùng giúp nhau ngày công lao động, thay phiên làm để trả công cho nhau.

Đối với các gia đình neo đơn, quá khó khăn, chị em cũng sẵn lòng giúp, không cần trả ngày công. Ngoài việc giúp nhau làm kinh tế, thì đây còn là cơ hội để các chị em trong hội chia sẻ, tâm sự những chuyện buồn vui trong cuộc sống, gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm. Chị Đinh Thị Nga ở thôn Làng Trê, xã Long Môn cho biết: Gia đình có 7 sào mì, trước đây vào mùa thu hoạch là lo lắm vì nhà chỉ có 2 vợ chồng, thu hoạch xong phải mất cả tháng, thuê mướn thì tốn tiền quá. Nhờ có mô hình “Giúp nhau ngày công lao động” của Hội phụ nữ xã phát động, tôi không còn lo lắng mỗi khi đến vụ thu hoạch nữa, vì đến mùa là các chị em trong thôn đến giúp, chỉ tầm 3, 4 ngày là thu hoạch xong.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh đã có 404 tập thể và 677 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, được bình chọn từ cơ sở và được biểu dương, khen thưởng ở cấp huyện và tương đương; có 50 tập thể và 118 cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở cấp tỉnh; có 3 tập thể và 5 cá nhân có hình ảnh, việc làm cụ thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác được Tỉnh ủy đề nghị Bảo tàng Hồ Chí Minh chọn để trưng bày tại triển lãm cấp Trung ương năm 2014 và 2015.
Từng bước đi vào chiều sâu

Theo Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Trương Quang Tưởng, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03, các cấp ủy đảng chú trọng hơn đến việc làm theo được thể hiện rõ nét qua các hoạt động sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Hằng tháng, các chi, đảng bộ đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt thường kỳ hoặc sinh hoạt chuyên đề. Việc lựa chọn nội dung sinh hoạt được căn cứ vào chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các chi, đảng bộ lựa chọn chuyên đề học tập Bác về suốt đời cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng gắn với từng nội dung, chương trình, nhiệm vụ của từng tổ chức để trao đổi, học tập, liên hệ, tự phê bình và phê bình, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng coi trọng việc thường xuyên rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức học và làm theo Bác. Từ việc tổ chức thảo luận sâu về nội dung được lựa chọn trong các chuyên đề hằng năm, nhiều cấp ủy đảng chủ động xây dựng chương trình hành động để đảng viên lựa chọn nội dung đăng ký làm theo. Bộ phận giúp việc các cấp ủy đảng hướng dẫn cụ thể việc xây dựng thống nhất mẫu đăng ký làm theo tấm gương đạo đức của Bác, xác định đây là một trong những tiêu chí đánh giá, chấm điểm thi đua cuối năm khi tổ chức bình bầu các danh hiệu. Nội dung đăng ký tập trung vào việc chấn chỉnh, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đương chức.

Tại một số địa phương như TP.Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành…việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng dần tạo thói quen suy nghĩ tích cực, ý thức tự giác và nền nếp trong hoạt động thường xuyên của nhiều tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên. Ở nhiều cơ quan, việc đăng ký thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được công bố công khai, tạo điều kiện để quần chúng giám sát và định kỳ tham gia đánh giá. Kết quả thực hiện các tiêu chí đạo đức đã góp phần đổi mới lề lối, tác phong làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị; góp phần thực hiện các quy định chung về thực hiện Điều lệ Đảng, về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Bài, ảnh: Thanh Thuận




 

.