Kỷ niệm 54 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28.8.1959- 28.8.2013):
Sắc thu Trà Bồng

08:08, 28/08/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi lại có dịp về huyện miền núi Trà Bồng. Trải qua 54 mùa thu, miền đất cách mạng năm xưa giờ đây đã "thay da đổi thịt". Bức tranh KT-XH của huyện đã sáng lên những gam màu tươi mới.

TIN LIÊN QUAN

Sáng tinh mơ! Thị trấn Trà Xuân “bị” đánh thức từ rất sớm bởi nhịp sống hối hả của ngày mới. Trong không gian ấy, chúng tôi cảm nhận được âm vọng hào khí sục sôi của những ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi với những con người cần cù, sáng tạo, đang đêm ngày xây dựng nên những làng mạc trù phú, sôi động; tạo nên hình, nên dáng của phố thị vùng cao.

Ký ức không quên về mùa thu lịch sử

Trong một ngày chớm thu, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với ông Hồ Ngọc Lâm- cán bộ lão thành cách mạng, là chứng nhân từng sống trong những ngày sục sôi của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Tuy đã hơn 70 tuổi song hình ảnh về cuộc khởi nghĩa năm xưa dường như đã ăn sâu vào tâm trí ông, như một ký ức không thể nào quên.  

Thời điểm đó, ông là trinh sát của đơn vị vũ trang 339 nên khi nhắc đến cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi ông Hồ Ngọc Lâm rất hào hứng. "Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra lúc kẻ xâm lược là đế quốc Mỹ- một siêu cường chưa từng bị thua trận trong các cuộc chiến tranh trước đó nên rất hung hăng, xảo quyệt. Cùng với chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai Mỹ được xây dựng, củng cố trở thành một chính quyền độc tài. Tuy nhiên từ trong sự đàn áp, kìm kẹp của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân dân Trà Bồng đã nhất tề nổi dậy, đứng lên giành chính quyền"- Ông Lâm nói.

 

Ông Hồ Ngọc Lâm xem lại những hình ảnh ngày xưa tại Nhà Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng
Ông Hồ Ngọc Lâm xem lại những hình ảnh ngày xưa tại Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng

Trở về ký ức, hồi tưởng lại khoảnh khắc lịch sử của mùa thu cách đây 54 năm về trước, ông kể: Sáng sớm ngày 28.8.1959 núi rừng Trà Bồng vang dội tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ, tù và, tiếng hô và tiếng chân rầm rập... Nhân dân các xã Trà Phong, Trà Thanh, Trà Nham người nối người, từ già, trẻ, gái trai ở buôn làng xông lên, với vũ khí thô sơ người có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, cùng với cung tên, dao rựa, gậy gộc… ai cũng theo tiếng trống cách mạng tiến ra phủ đường, giành chính quyền, vây bắt địch. Ngay sau đó, cuộc khởi nghĩa vũ trang đã lan nhanh ra các xã khác.

"Lúc này cùng với sự nổi dậy của nhân dân, đơn vị 339 của ông và các nhóm vũ trang, các đội du kích từ các trại bí mật được lệnh xuất quân tham gia chiến đấu đã tiếp thêm sức mạnh cho quần chúng nhân dân, địch phải rút chạy. Trong ngày 28.8.1959, lực lượng đơn vị 339, quân và dân Trà Bồng đã đốt phá tất cả các cơ quan ngụy quyền các xã vùng cao, bắt sống và tiêu diệt gần 100 tên địch."- ông Lâm nhớ lại.

Ngồi nhấp ngụm trà, ông Lâm kể tiếp, không phải đến ngày 28.8.1959 khí thế đấu tranh mới sôi sục mà thực tế khí thế này đã có từ lâu rồi. "Trước đó, tại Gò Rô xã Trà Phong, ngày 7.7.1958, Đại hội nhân dân 4 dân tộc Cor, H're, Ca Dong và Kinh đã diễn ra, đây  được mệnh danh là đại hội "Diên Hồng" của các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi thể hiện quyết tâm đánh Mỹ.
 
Đồng bào các dân tộc anh em thề với nhau "có địch thì không có ta", đồng lòng đứng lên đánh đổ ách thống trị của địch. Quyết tâm của quân và dân Trà Bồng như được tiếp thêm sức mạnh khi chúng tôi được quán triệt Nghị quyết 15, biết được Đảng và Bác Hồ cho khởi nghĩa"- giọng ông Lâm hùng hồn.

Tin Trà Bồng được giải phóng lan nhanh sang các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long. Cả miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên giành chính quyền. Sau thắng lợi của Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, ngày 3.9.1959 tại khu đồi Gò Rô, đồng bào xã Trà Phong mở đại hội bầu Ủy ban nhân dân tự quản và thành lập đội du kích xã- chính quyền cách mạng đầu tiên của nhân dân trong những năm đầu của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau đó, Ủy ban nhân dân tự quản lần lượt ra đời tại các xã vùng cao.

Giữa những ngày mùa thu lịch sử, hừng hực khí thế của mùa thu 54 năm về trước, lớp thế hệ lão thành cách mạng giờ đây tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng những người từng tham gia và chứng kiến giờ phút lịch sử của cuộc khởi nghĩa vẫn hằng ngày kể cho con, cháu nghe về một thời hào hùng của dân tộc, để thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.

Trà Bồng sáng thu nay!

Phát huy truyền thống yêu nước, quật khởi trong suốt 54 năm qua, quân dân Trà Bồng đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại về một  Trà Bồng anh hùng - một Trà Bồng năng động, sáng tạo, đầy "bản lĩnh" trong thời kỳ mới.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh trung tâm huyện, qua những con đường nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những ruộng lúa trĩu bông đang chờ mùa thu hoạch, ông Hồ Văn Thế- Bí thư huyện ủy Trà Bồng phấn khởi nói: Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, và khi Nghị quyết 30a được triển khai trên địa bàn huyện như tiếp thêm sức sống mới cả về vật chất và tinh thần cho Trà Bồng tiến nhanh và vững hơn trên bước đường phát triển. Đời sống nhân dân giờ đây dần ổn định. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện xấp xỉ 80%, thì đến cuối năm 2012, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50%; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông.

Nhớ lại quá khứ đầy gian khó, ông Hồ Văn Thế chia sẻ: Ngày trước, đời sống người dân Trà Bồng gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên thiếu đói, cở sở hạ tầng yếu kém; giao thông cách trở, có những xã mà trong mùa mưa, từ trung tâm huyện phải đi một buổi hoặc cả ngày mới tới được, thậm chí có nơi mùa mưa không đi được.

"Hiện đường đến trung tâm huyện và từ huyện đến xã đã thông suốt, đường giao thông đã cứng hóa 90%, 80% hộ dân sử dụng điện Quốc gia, đời sống tinh thần ngày càng phong phú... Chính những điều này đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển giữa các bản làng vùng cao huyện"- ông Hồ Văn Thế vui vẻ chia sẻ.  

Quả thực, sự đổi thay trên vùng cao Trà Bồng hiện hữu trên từng con đường, từng mái nhà, từng công trình được đầu tư xây dựng. Nhìn những ngôi nhà tầng khang trang của người dân trong huyện mọc lên san sát, những con đường đất lầy lội ngày nào giờ đã nhường chỗ cho những đường bê tông, đường nhựa, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi, văn hóa, giáo dục... được đầu tư xây dựng đã tạo nên bức tranh kinh tế đầy màu sắc, tạo động lực để Trà Bồng ngày càng phát triển.

 

Một góc trung tâm huyện Trà Bồng
Một góc trung tâm huyện Trà Bồng

Giờ đây, người dân khắp nơi không chỉ biết đến Trà Bồng qua cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, hay hương vị đặc biệt của hương quế Trà Bồng mà còn biết đến Trà Bồng với sự đổi thay nhanh chóng của một huyện vùng cao từ nghèo khó. Niềm vui no ấm hiện rõ trong ánh mắt của người dân miệt mài trên đồng ruộng, rẫy quế, rẫy keo và nụ cười hớn hở của các cháu học sinh tung tăng cắp sách đến trường...

Theo ông Hồ Văn Thế- Bí thư huyện ủy Trà Bồng, cái được lớn nhất là thay đổi nhận thức cho bà con.  Từ thay đổi cách nghĩ dẫn đến thay đổi cách làm. Trước đây chỉ có phát rẫy thôi, bây giờ bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đi suốt cùng quê hương trong những chặng đường bão dông trong ký ức của cán bộ lão thành cách mạng Hồ Ngọc Lâm bây giờ Trà Bồng đã thay đổi rất nhiều. Sau bao năm còn đói cái bụng, mỏi cái chân do nay chốn này, mai núi nọ với bạt ngàn núi cao, giờ đây hầu hết bà con đã được định canh định cư, làm ăn phát triển kinh tế. "Hồi xưa khó khăn lắm, ở Trà Bồng mình đếm được chỉ có 2, 3 cái nhà ngói, chứ giờ thì mình đếm không nổi. Bây giờ có trạm y tế ở các xã, có bệnh viện, đau gì có thuốc nấy; các trường học được xây dựng khắp nơi, đúng là thuận tiện cho nhân dân rất nhiều”- ông Lâm cho biết.
 
 
Đường sá khang trang, ngày càng có nhiều nhà cửa mọc lên san sát ngay trên tuyến đường trung tâm huyện
Đường sá khang trang, ngày càng có nhiều nhà cửa mọc lên san sát ngay trên tuyến đường trung tâm huyện.

Ông Hồ Văn Thế chia sẻ: Để Trà Bồng tiếp tục phát triển, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất cây quế, cây keo và chăn nuôi, thời gian đến, Trà Bồng sẽ chú trọng vấn đề giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo ra nguồn lao động dồi dào đáp ứng nhu cầu việc làm của huyện và của tỉnh; quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đến y tế, giáo dục và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện thông qua các di tích văn hóa- lịch sử, điểm du lịch sinh thái...

Buổi sáng mùa thu, ánh nắng nhẹ hắt qua sườn núi quyện với không gian trong lành của vùng cao Trà Bồng khiến lòng người khi đến với huyện vùng cao này bỗng thấy yên bình đến lạ. Một mùa thu nữa lại về, tuy vẫn còn gian khó, nhưng tin rằng với hào khí cách mạng đã kết tụ trong mỗi con người, sẽ tạo nên khối đoàn kết bền chặt, động lực để Trà Bồng vượt lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng, to đẹp.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc


.