Tổng kết 10 năm đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020"

03:03, 18/03/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Sáng 18.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính.

Sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,61%/năm. Sản lượng lúa gạo tăng từ 39,2 triệu tấn năm 2009 lên 43,45 triệu tấn năm 2019 (tăng 12,2%).

Diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha). Năng suất lúa gạo của Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ.
 
Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn). Nhiều mặt hàng còn được xuất khẩu với giá trị cao, đã có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.
 
a
Năng suất lúa gạo của Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
 
Lương thực bình quân đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525kg/năm. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người đứng thứ 6 trên thế giới.

Tại Quảng Ngãi, so với năm 2008, hiện sản lượng lúa của tỉnh tăng 24%, bắp tăng 12%, rau các loại tăng 28%. Chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nông trại, gia trại, liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm đều tăng cao.
 
Tuy nhiên, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng giải cứu nông sản. Việt Nam xuất khẩu trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia - mức trung bình.

Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
 
a
Thủ tướng Chính Phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh. Tin tức.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng với mọi quốc gia. Phải đảm bảo an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Thủ tướng cho rằng, yêu cầu tiên quyết là chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất lương thực, giữ ổn định diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Từ nay đến năm 2030, nhiệm vụ trong phát triển ngành nông nghiệp nước ta là đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; bảo đảm đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và đời sống nhân dân; đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực…

Tin, ảnh: A.KIỀU

.