Những phụ nữ năng động

18:21, 27/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ đảm đang trong gia đình, nhiều hội viên phụ nữ còn năng động, vượt khó làm giàu. Qua đó, thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiệu quả.

Xây dựng trang trại tổng hợp

Nhờ cần cù, chịu khó và tinh thần dám nghĩ dám làm mà giờ đây, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở thôn Thuận Hòa, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đã xây dựng được trang trại tổng hợp rộng hơn 2ha với đa dạng các loại cây ăn quả. Cũng từng làm nông nghiệp, chăn nuôi heo gà, trồng lúa như bao hộ gia đình ở nông thôn, thế nhưng với tư duy muốn thử sức với những mô hình mới, chị Tuyết đã mạnh dạn đầu tư làm trại trồng nấm rơm và các loại cây ăn quả. “Chăn nuôi heo, gà, trồng lúa cho hiệu quả kinh tế không cao, giá cả lại khá bấp bênh nên tôi đi tìm tòi, học hỏi mô hình trồng nấm rơm và tận dụng hết diện tích đất để trồng một số loại cây ăn quả. Nấm rơm thì bán quanh năm nhưng chủ yếu vào ngày rằm và mùng 1 (âm lịch) hằng tháng. Còn cây ăn quả, tôi trồng các loại cây có giá thành ổn định như mít thái, chôm chôm, sầu riêng...”, chị Tuyết cho biết.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở thôn Thuận Hòa, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thu hoạch chôm chôm.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở thôn Thuận Hòa, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thu hoạch chôm chôm.

Hiện nay, trang trại tổng hợp của chị Tuyết trồng hơn 700 gốc tiêu, 250 cây mít thái, 50 cây sầu riêng, 50 cây chôm chôm... Trung bình mỗi năm chị Tuyết bán hơn 2 tấn mít, gần 1 tấn tiêu, 300 - 400kg chôm chôm, sầu riêng. Còn mỗi tháng, trại nấm cho sản lượng từ 200 - 300kg. Để nâng cao thu nhập, chị Tuyết còn nuôi hơn 100 con gà thả vườn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn là đầu mối, chịu trách nhiệm lo đầu ra cho các hộ gia đình trồng nấm rơm lân cận. “Thấy nấm rơm cho hiệu quả kinh tế ổn định, một số gia đình cũng học hỏi, làm theo thế nhưng số lượng nấm nhỏ lẻ nên thương lái ít đến thu mua. Vì vậy tôi chịu trách nhiệm lo đầu ra cho 5 hộ trồng nấm gần nhà. Trung bình mỗi tháng, tôi thu mua lại của các hộ dân gần 100kg nấm rơm”, chị Tuyết chia sẻ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Thịnh Bùi Thị Phẩm cho biết, chị Tuyết không chỉ làm kinh tế giỏi, đảm đang trong gia đình mà còn rất nhiệt tình trong công tác hội, sẵn sàng chia sẻ với hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Chị là tấm gương sáng trong lao động, sản xuất để hội viên phụ nữ học hỏi, làm theo.

Vượt khó làm giàu

Cuộc sống từng khó khăn thế nhưng nhờ tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn 4, xã Bình Hòa (Bình Sơn) đã mở trang trại nuôi vịt siêu nạc, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chị Tâm cho biết, dù vợ chồng chị đều cần cù, chăm chỉ nhưng làm nông nghiệp nhỏ lẻ, cho thu nhập không cao nên mấy năm trước, chị quyết tâm vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm để đầu tư, xây chuồng trại nuôi vịt siêu nạc với số lượng lớn.

Ban đầu, với nguồn vốn ít ỏi nên vợ chồng chị Tâm chỉ chăn nuôi mỗi lứa khoảng vài trăm con vịt. Sau một thời gian chăn nuôi, có thêm vốn và kinh nghiệm, vợ chồng chị Tâm quyết định mở rộng quy mô, với mỗi lứa nuôi hơn 2.000 con vịt. Trung bình mỗi năm, vợ chồng chị nuôi và xuất bán hơn 10 nghìn con vịt thịt. Để vịt sinh trưởng tốt, hạn chế dịch bệnh, chị Tâm luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tiêm phòng đầy đủ. Ngoài trang trại vịt siêu nạc, vợ chồng chị Tâm còn chăn nuôi thêm bò thịt và canh tác hoa màu. “Làm nông nghiệp thì cần phải chịu khó, tỉ mỉ và siêng năng thì mới có thể làm giàu được. Dù trang trại vịt mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn phát triển đa dạng vật nuôi, cây trồng để nâng cao thu nhập cho gia đình. Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi, hướng đến cung cấp cho thị trường khoảng 15 nghìn con vịt thịt/năm”, chị Tâm bộc bạch.

Bài, ảnh: KHẢI NAM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:21, 27/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.