Chủ động ứng phó với thiên tai

15:27, 16/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Địa hình phức tạp do đồi núi nhiều, địa chất không ổn định, lại bị chia cắt bởi sông, suối nên huyện vùng cao Ba Tơ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong phòng, chống thiên tai. Vì thế, chính quyền và người dân nơi đây luôn sẵn sàng tư thế ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước thiên tai, đặc biệt là mưa lũ.

Các lực lượng địa phương tập trung xử lý điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 24 đoạn qua xã Ba Tô (Ba Tơ).

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

"Huyện đã chỉ đạo cán bộ xã, thôn phải bám sát địa bàn, chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tiếp tục theo dõi sát các vị trí có nguy cơ sạt lở rộng ở xã Ba Nam để triển khai ứng phó với tình huống khẩn cấp. Cụ thể ở xóm Nước Loan, thôn Xà Râu, khả năng nước suối dâng cao, phải sẵn sàng di dời 24 hộ/90 khẩu; tại xóm Mang Lăng, thôn Làng Dút, chủ động di dời 6 hộ/15 khẩu. Riêng vết nứt dài hơn 400m, rộng hơn 50m, khối lượng đất đá ước 3.000m3 sát bên suối Nước Đi thôn Gòi và điểm nứt núi Nước Chinh, thôn Nước Lăng, khi có mưa phải di dời toàn bộ dân trong khu vực đến nơi an toàn”.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ PHẠM XUÂN VINH

Từ ngày 13 - 15/11, trên địa bàn huyện Ba Tơ có mưa vừa, mưa to đến rất to, nhất là ở các xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Lế, Ba Tiêu. Lượng mưa đo được cao nhất tại xã Ba Điền là 320mm. Mưa lớn, nước dồn về các sông và vùng trũng, gây ra tình trạng nước chảy xiết, chia cắt, ngập nặng. Tại xã Ba Lế, cầu Sông Liên 1 và Sông Liên 2 bị ngập gây cô lập hoàn toàn cả vùng dân cư rộng lớn. Tại xã Ba Xa có 2 cầu tràn qua thôn Nước Như và Nước Chạch bị ngập sâu, tắc đường giao thông trong đêm 13 và ngày 14/11. Mưa lớn gây sập 3 nhà dân ở các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Tô. Nhiều tuyến đường liên xã đã không thể đi lại trong nhiều giờ, do sạt lở, như đường Ba Dinh - Ba Giang; Ba Nam - Ba Bích. Đặc biệt, trên tuyến QL24 nhiều điểm bị sạt bờ kè ta luy âm, mái ta luy dương gây bất an cho người tham gia giao thông. Mưa lớn cũng làm các điểm trường tiểu học và THCS xã Ba Nam và trụ sở xã bị sạt lở tường rào, kè với chiều dài hàng trăm mét.

 Lực lượng bộ đội, dân quân và người dân xã Ba Nam (Ba Tơ) khắc phục sạt lở, ách tắc giao thông sáng 15/11/2023.
Lực lượng bộ đội, dân quân và người dân xã Ba Nam (Ba Tơ) khắc phục sạt lở, ách tắc giao thông sáng 15/11/2023.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Ba Tơ, những ngày qua, do mưa lớn, nước đổ về sông Liên với lưu lượng khoảng 2.500m3/s gây ra nhiều điểm sạt lở bờ sông khu vực UBND xã Ba Thành, đe dọa sự an toàn của 34 hộ dân đang sinh sống dọc bờ sông. Nước dâng cũng làm ngập nhà ông Nguyễn Văn Tấn, thôn Làng Xi (xã Ba Tô) và nhà ông Phạm Văn Deo, thôn Xà Râu (xã Ba Nam) phải di dời khẩn cấp. Riêng nhà bà Đỗ Thị Yến Nhi, thôn Mang Lùng 1 (xã Ba Tô) bị sạt lở, đất đá làm sập tường, tuồn vào trong nhà, phải di dời đến nơi an toàn, hiện chưa khắc phục xong.

Người dân giúp hộ bà Đỗ Thị Yến Nhi, ở thôn Mang Lùng 1 (Ba Tô) dọn dẹp đất đá sạt lở tràn vào nhà.
Người dân giúp hộ bà Đỗ Thị Yến Nhi, ở thôn Mang Lùng 1 (Ba Tô) dọn dẹp đất đá sạt lở tràn vào nhà.

Trước tình hình mưa lớn gây thiệt hại nặng cho hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà ở của người dân, ngay trong sáng 15/11, huyện Ba Tơ đã huy động lực lượng tại chỗ của các địa phương khẩn trương khắc phục. Trước mắt, ưu tiên dọn dẹp, thông đường các tuyến giao thông bị đất đá sạt lở vùi lấp, chia cắt; tổ chức sửa chữa nhà ở bị hư hỏng do mưa lớn gây ra. Hàng trăm người dân ở các thôn Làng Xi, Mang Lùng 1 đã tập trung dọn dẹp đất đá sạt lở xuống đường, cản trở giao thông; đồng thời tổ chức dựng lại nhà cho 3 hộ dân bị sập, đảm bảo sớm có chỗ ở an toàn và đưa người dân trở về nhà của mình, ổn định cuộc sống.

Tại xã Ba Nam, chính quyền xã huy động lực lượng xung kích dọn dẹp tường rào trường học, trụ sở UBND xã bị sập. Quá trình dọn dẹp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Ba Nam yêu cầu phải tuyệt đối giữ an toàn, nơi nào còn nguy hiểm thì phải dừng lại.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết, trước khi có mưa lớn, UBND huyện Ba Tơ đã ban hành kế hoạch chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn; phòng, chống sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn huyện. Văn phòng Ban thường xuyên theo dõi, cập nhật và cảnh báo các địa phương về diễn biến thời tiết để chủ động phòng, tránh. Các xã, thị trấn tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chủ động di dời đến nơi an toàn, nhất là các khu dân cư nằm ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét. Nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Phân vùng nguy cơ để ứng phó hiệu quả

Toàn huyện Ba Tơ có 18 xã, 1 thị trấn, địa hình khá phức tạp, độ cao dao động từ 300 - 1.800m, với nhiều núi cao. Hằng năm, huyện Ba Tơ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, mưa dông, lốc xoáy, sấm sét. Trên địa bàn có hệ thống sông suối chằng chịt, gồm các sông chính là sông Liên, sông Re, sông Tô và nhiều suối chảy qua. Sông, suối ngắn, độ dốc cao nên tốc độ dòng chảy rất lớn. Mùa mưa, nước lũ dồn về nhanh, làm ngập cục bộ ở một số vùng và các tuyến giao thông trọng điểm; một số khu vực dễ bị lũ quét trong mùa mưa bão.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Ba Tơ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều đợt mưa to đến rất to kèm theo gió lốc và dông sét, gây chia cắt ở nhiều nơi thuộc địa bàn các xã Ba Lế, Ba Điền, Ba Xa; làm tốc mái hơn 30 nhà dân. Còn trong năm 2022, do ảnh hưởng thiên tai làm 4 người bị thương (cùng trú tại thôn Làng Xi 1, xã Ba Tô), bị sét đánh khi đang khai thác gỗ keo ở khu vực gần nhà; 444 nhà ở của dân và nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học khác bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 49 tỷ đồng.

Cắm biển cảnh báo nguy hiểm khu vực nước ngập, chia cắt giao thông tại xã Ba Vì (Ba Tơ).
Cắm biển cảnh báo nguy hiểm khu vực nước ngập, chia cắt giao thông tại xã Ba Vì (Ba Tơ).

Căn cứ vào tình hình thực tế và mức độ ảnh hưởng nhiều năm qua của các đợt mưa lũ, ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Ba Tơ đã chia ra các vùng có nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra để xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả. Theo đó, vùng có địa hình phức tạp, dễ bị chia cắt, vùng cao, vùng xa gồm các xã Ba Lế, Ba Xa, Ba Trang, Ba Khâm, Ba Nam, Ba Giang, Ba Tô, Ba Vinh, Ba Điền. Khi mưa lũ về, gây sạt lở núi, tắc đường giao thông, nước lũ dâng cao tại các cầu ngầm dẫn đến chia cắt, nên nhân dân cần chủ động lương thực, vật tư, thuốc chữa bệnh thông thường. Còn vùng trọng điểm có lũ quét là dọc sông Liên gồm các xã Ba Dinh và thị trấn Ba Tơ. Khi có mưa lớn, người dân cần chủ động di dời đến nơi an toàn; không vớt củi, đánh bắt cá khi nước lớn.
Ngoài ra, hiện nay toàn huyện có tới 52 điểm có nguy cơ, đe dọa đến tính mạng, tài sản và đất đai của nhân dân. Các điểm này chủ yếu tập trung ở các sườn đồi, núi có độ dốc lớn và những vùng có sự tác động của con người khi mở đường, bạt mái ta luy. Hiện đã hình thành vết nứt núi ở các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Tô, Ba Bích, Ba Lế, Ba Xa, Ba Nam, Ba Trang, Ba Thành. Tại các sườn đồi, trong quá trình khai thác keo mở đường vận chuyển, khi mưa lớn đã tạo lũ ống, lũ quét đối với khu dân cư sát chân đồi. Những nơi có khả năng sạt lở đất là dọc tuyến QL24 (điểm đèo Vi Ô Lắc; đèo Lâm; đèo Đá Chát, đèo Tống Rỉ)... Hiện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Ba Tơ đã tập trung chỉ đạo chính quyền và người dân theo dõi thông tin mưa lũ, sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn. Tuyệt đối không sinh sống trong những ngôi nhà ở gần nơi có nguy cơ sạt lở.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:27, 16/11/2023
TỪ KHÓA: sạt lở mưa lũ Ba Tơ

Ý kiến bạn đọc


.