[Emagazine].Khu Kinh tế Dung Quất: Hướng đến trung tâm kinh tế biển năng động

10:41, 05/07/2023
.
 

 

 

Sau hơn 26 năm hình thành và phát triển, ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Theo đó, KKT Dung Quất phát triển với 168 mục tiêu, định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (bên trái) tiếp nhận quyết định Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2045.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (bên trái) tiếp nhận quyết định Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2045.

Tổng diện tích của KKT Dung Quất hơn 45 nghìn héc-ta, trải rộng từ huyện Bình Sơn đến huyện Sơn Tịnh và toàn bộ diện tích huyện Lý Sơn, khu vực mặt biển liền kề. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng kịp thời tháo gỡ các nút thắt, đưa KKT Dung Quất phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế; là công cụ cực kỳ quan trọng để tổ chức quản lý, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển KKT Dung Quất theo hướng “Chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững” trong giai đoạn tới.

Lợi thế của KKT Dung Quất là hệ thống giao thông trục chính được đầu tư tương đối đồng bộ; có hệ thống quốc lộ, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam đi qua; cách đường hàng hải quốc tế 90km, cách đường hàng hải nội địa 30km; là cửa ngõ ra Biển Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây. Khu Kinh tế Dung Quất nằm cạnh sân bay Chu Lai và KKT mở Chu Lai, liên kết chặt chẽ với KKT mở Chu Lai để phát huy tiềm năng, lợi thế. Hơn nữa, trên địa bàn KKT Dung Quất có các bãi biển đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh, gắn kết thuận lợi với huyện Lý Sơn... đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch.

 

Điều thuận lợi mang tính khác biệt của KKT Dung Quất là có cảng biển nước sâu, với hệ thống bến cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200 nghìn DWT...

 

 

Tính đến nay, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 347 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 395 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 58 dự án đầu tư nước ngoài và 289 dự án đầu tư trong nước. Hiện nay, KKT Dung Quất có 249 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, trong đó có 174 dự án sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt gần 117 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 113 lần so với năm 2004; giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt gần 2 tỷ USD, tăng gấp 64 lần so với năm 2004. Hoạt động thành công của các doanh nghiệp đã đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh, đưa Quảng Ngãi từ tỉnh phụ thuộc sự hỗ trợ của ngân sách trung ương trở thành tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước (giai đoạn 2010 - 2022, thu ngân sách từ KKT Dung Quất đạt gần 224 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng thu ngân sách của tỉnh). Khu Kinh tế Dung Quất đã giải quyết việc làm cho trên 65 nghìn lao động.

 

Đặc biệt, thông qua việc thu hút 58 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 13 quốc gia, đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng trên thế giới. Trong đó, có một số dự án lớn như KCN - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, dự án Công nghiệp nặng Doosan... đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia.

 

Hiện tại, KKT Dung Quất đã có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế, như sản phẩm hóa dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Kể từ khi hoạt động (năm 2009) đến nay, sản lượng của nhà máy đạt 76 triệu tấn, cung cấp hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước và hiện đang thực hiện dự án nâng công suất từ 6,5 lên 7,6 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong quý I/2028. Sản phẩm của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất 6 triệu tấn/năm và hiện đang triển khai đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm...

 

 

Theo số liệu so sánh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản năm 2022 giữa KKT Dung Quất với các KKT, KCN của 11 tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, giúp chúng ta nhận diện rõ vị thế và triển vọng của KKT Dung Quất. Cụ thể, về thu hút đầu tư và giá trị sản xuất, KKT Dung Quất xếp thứ nhất, cao hơn lần lượt là 2,5 lần và 5,6 lần so với đơn vị đứng thứ hai là KKT tỉnh Bình Định. Về giá trị thu ngân sách nhà nước, KKT Dung Quất xếp thứ nhất và cao hơn 3,2 lần so với đơn vị đứng thứ hai là KKT và KCN Quảng Nam; và cao hơn 1,5 lần tổng giá trị của 10 KKT còn lại. Riêng giá trị xuất nhập khẩu xếp thứ nhất và cao hơn 1,1 lần so với đơn vị đứng thứ hai là KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

 

Khu Kinh tế Dung Quất được xây dựng theo chiến lược mới có 5 phân khu chức năng, gồm khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; khu đô thị, dịch vụ Đông Nam; khu đô thị Lý Sơn với mục tiêu phát triển các loại hình du lịch biển, đảo đặc sắc; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Hiện nay, Quảng Ngãi đã và đang xây dựng KKT Dung Quất theo định hướng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giúp nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế, gia tăng cơ hội, vượt qua thách thức, đứng vững trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước, Quảng Ngãi dành nguồn lực tài chính thỏa đáng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi để nhà đầu tư an tâm hoạt động tại KKT Dung Quất.

Nội dung: THANH NHỊ 
Trình bày: L.H

 

Xuất bản lúc: 10:41, 05/07/2023