Giúp người dân nuôi trồng thủy sản hiệu quả

14:55, 19/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển, huyện Bình Sơn chú trọng các giải pháp giúp người dân NTTS hiệu quả hơn.

Sau một thời gian dài thất thu do tôm nuôi bị dịch bệnh, ông Lê Thanh Hiếu, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), vui mừng thông tin: “Từ năm ngoái đến nay, việc nuôi thủy sản của tôi bắt đầu có lãi sau nhiều năm thất bát. Đó là nhờ huyện đã định hướng, hỗ trợ người dân chuyển từ mô hình nuôi tôm sang nuôi tôm, cá, cua kết hợp”.

Toàn bộ diện tích hồ nuôi thủy sản ở Đồng Min, xã Bình Dương (Bình Sơn) đều được người dân nuôi tôm kết hợp cá, cua xanh.
Toàn bộ diện tích hồ nuôi thủy sản ở Đồng Min, xã Bình Dương (Bình Sơn) đều được người dân nuôi tôm kết hợp cá, cua xanh.

Là hộ dân tiên phong phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi tôm Đồng Min, xã Bình Dương (Bình Sơn), ông Hiếu từng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Song, từ năm 2016 - 2020, tôm nuôi liên tục gặp các bệnh như đốm trắng, đỏ thân, khiến ông Hiếu phải bù lỗ từ 50 - 60 triệu đồng mỗi năm. Năm 2021, khi ao nuôi tôm của gia đình ông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn chọn để thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm kết hợp cua xanh, cá đối, tình hình dịch bệnh tại hồ nuôi được cải thiện đáng kể.

“Ngày trước, trong ao nuôi 5.000m2, tôi thường thả đến 20 vạn tôm giống, nên khi gặp dịch bệnh bị tổn thất rất nặng nề. Từ năm 2021, sau khi được huyện hỗ trợ và phát triển thành công mô hình nuôi thủy sản kết hợp, tôi chỉ thả từ 5 - 6 vạn tôm giống, còn lại thả xen vào hồ chừng 1.000 con cá đối giống, 5.000 - 6.000 con cua xanh giống. Áp dụng mô hình này, tình hình dịch bệnh trên con tôm giảm hẳn. Cùng với đó, tôi còn có nguồn thu từ cá đối, cua xanh. Lợi nhuận năm 2022 đạt khoảng 50 triệu đồng. Tôi vừa xuất bán hơn 1 tạ tôm thẻ chân trắng, còn lại tôm sú, cá đối, cua xanh trong hồ khoảng 2 tháng nữa mới thu hoạch”, ông Hiếu cho biết.

Để giúp người dân NTTS hiệu quả, thích ứng với điều kiện môi trường nhiều biến đổi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân áp dụng biện pháp kết hợp nuôi tôm với cua, cá. Khi nuôi chung các loại hải sản này trong cùng một ao, cá đối sẽ ăn thức ăn thừa và tảo trong ao, giúp ổn định môi trường hồ nuôi, giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Năm 2021, trung tâm hỗ trợ 8 hộ dân tại 2 xã Bình Chánh, Bình Dương thực hiện mô hình trên diện tích 2ha. Năm 2022, trung tâm tiếp tục nhân rộng diện tích hỗ trợ lên 17ha. Qua đó, giúp hơn 40 hộ NTTS tại địa phương tiếp cận, thực hiện cách thức NTTS mới. Nhận thấy hiệu quả mà mô hình mang lại, năm 2023, người dân tại xã Bình Dương, Bình Chánh tiếp tục nhân rộng mô hình, với tổng diện tích hơn 20ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, nhận thấy triển vọng nghề NTTS tại Đồng Min, xã Bình Dương, huyện đã bố trí gần 5 tỷ đồng để đầu tư đưa hệ thống lưới điện đến khu vực này, nhằm tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa việc NTTS. Dự kiến, trong năm nay, vùng NTTS 17ha tại Đồng Min sẽ có điện. 

Ông Hiền cho biết thêm, diện tích NTTS nước lợ trên địa bàn huyện khoảng 200ha. Trong đó, chỉ khoảng 60ha nằm trong quy hoạch NTTS của địa phương, tập trung tại 2 xã Bình Chánh, Bình Dương. Tuy nằm trong quy hoạch, nhưng hạ tầng phục vụ NTTS tại các vùng nuôi này đều lạc hậu, manh mún. Tại một số vùng, hệ thống thủy lợi dẫn nước vào các vùng NTTS do người dân tự đào, đắp từ cách đây đã hàng chục năm. Còn hệ thống xử lý nước thải tại các vùng NTTS chưa được đầu tư. Vì vậy, địa phương cần nhiều kinh phí để hoàn thiện hạ tầng, cũng như triển khai các giải pháp về khoa học công nghệ, giúp người dân nâng cao hiệu quả NTTS, thích ứng với môi trường.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:55, 19/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.