Chống hạn, ngăn mặn từ đầu mùa nắng

10:11, 10/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù chưa bước vào cao điểm mùa khô năm 2023, nhưng tình hình thời tiết cực đoan, dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Ngành nông nghiệp, chính quyền và người dân đã chủ động các phương án nhằm ứng phó hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Chủ động ứng phó

Cứ đến mùa khô, nhiều hộ dân sống tại các cụm tuyến dân cư ven biển, miền núi lại lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Tại xã Trà Bùi (Trà Bồng), mới đầu mùa nắng nhưng nhiều con suối bắt đầu cạn nước, lượng nước dẫn về nhà dân cũng giảm dần, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Bà Hồ Thị Trinh, ở thôn Quế, xã Trà Bùi cho biết, mấy ngày qua nắng nóng nên tôi phải đi lên mấy con suối ở tận chân núi Cà Đam để lấy nước. 

Còn tại xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), người dân cũng thấp thỏm lo thiếu nước sinh hoạt mỗi khi nắng nóng kéo dài. Năm 2019, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phổ Phong, với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Dù đã đấu nối tuyến ống dẫn nước sạch từ công trình về nhà, nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra, nhất là lúc cao điểm nắng nóng.

Mực nước trong hồ chứa Hòa Hải, xã Bình Hải (Bình Sơn) giảm nhanh, ảnh hưởng đến công suất cấp nước của Nhà máy nước Bình Hải  cho gần 2.000 hộ dân thuộc 2 xã Bình Hải, Bình Hòa. Ảnh: Mỹ Hoa
Mực nước trong hồ chứa Hòa Hải, xã Bình Hải (Bình Sơn) giảm nhanh, ảnh hưởng đến công suất cấp nước của Nhà máy nước Bình Hải  cho gần 2.000 hộ dân thuộc 2 xã Bình Hải, Bình Hòa. Ảnh: Mỹ Hoa

Người dân ở 2 xã Bình Hải, Bình Hòa (Bình Sơn) cũng lo lắng khi mực nước hồ chứa Hòa Hải dần xuống thấp. Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Lê Văn Minh lý giải, hồ Hòa Hải có nhiệm vụ tạo nguồn cấp nước cho Nhà máy Nước Bình Hải, nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho gần 2.000 hộ dân (trên 10 nghìn nhân khẩu) tại 2 xã Bình Hải và Bình Hòa. Tuy nhiên, nắng nóng, cộng với nhiều hạng mục của hồ chứa Hòa Hải bị hư hỏng khiến mực nước sụt giảm nhanh, ảnh hưởng đến công suất cấp nước của Nhà máy Nước Bình Hải.  

Việc đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2022 - 2023 và hè thu 2023 cũng được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương chủ động triển khai các phương án. Tại huyện Tư Nghĩa, chính quyền các địa phương triển khai gia cố, đắp mới các đập bổi hoặc ngăn mặn để bảo vệ diện tích nông nghiệp; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương trên địa bàn không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó với các tình huống xâm nhập mặn. Trước mắt, cần thường xuyên cập nhật diễn biến nguồn nước, lịch đóng, mở các cống để nông dân biết thông tin, chủ động trong việc bơm nước phục vụ sản xuất. Đối với một số công trình, cống ngăn mặn vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ, huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp rà soát, báo cáo với Chi cục Thủy lợi tỉnh để có phương án khắc phục.

Không để người dân thiếu nước sinh hoạt  

Để đáp ứng yêu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân, giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh có 28 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng mới, với tổng kinh phí hơn 139 tỷ đồng, nâng tổng số công trình cấp nước sạch trên toàn tỉnh lên 513 công trình. Tuy nhiên, chỉ có 36 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững, số còn lại là kém bền vững (344 công trình) và không hoạt động (133 công trình). Ông Lê Văn Minh cho biết, đường ống cấp nước bị hư hỏng nhưng chưa được khắc phục dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước lên đến 20%. 

Mới đầu mùa nắng, người dân các thôn Quế, thôn Tang, xã Trà Bùi (Trà Bồng) lo lắng thiếu nước sinh hoạt.   ẢNH: MỸ HOA
Mới đầu mùa nắng, người dân các thôn Quế, thôn Tang, xã Trà Bùi (Trà Bồng) lo lắng thiếu nước sinh hoạt.   ẢNH: MỸ HOA

Cộng với nắng nóng kéo dài, một số khu vực có nguồn nước ngầm xuống thấp so với mức bình thường, nhất là các xã ven biển và miền núi, dẫn đến trữ lượng nước quá thấp nên không đảm bảo cấp nước. Với quyết tâm không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo cấp nước an toàn cho trên 14,3 nghìn hộ dân trong tỉnh. Kịp thời sửa chữa, gia cố những hư hỏng nhằm hạn chế tình trạng thất thoát nước, tăng cường thổi rửa hoặc khoan mới giếng khoan tại các trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác, bổ sung nguồn gắn với khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm...  

Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi tỉnh đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương vận hành có hiệu quả công trình, đảm bảo việc lấy nước từ các hồ chứa được liên tục và an toàn. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các phương án và kịch bản tương ứng với các tình huống, mức độ hạn, mặn nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

MỸ HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 


Ý kiến bạn đọc


.