Làng ốc ruốc Tịnh Khê

14:33, 15/03/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Khi đến xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi), hỏi về thôn Cổ Lũy, nhiều người vẫn hay gọi đây là “làng ốc ruốc”. Ở Cổ Lũy, cứ đến mùa, hầu như nhà nào cũng đi làm ốc ruốc (loại ốc mà nhiều nơi vẫn gọi là chần chần hay ốc gạo). Đàn ông đi cào, phụ nữ đi bán. Cái tên “làng ốc ruốc” cũng xuất phát từ đó, như một sự trân quý đối với thứ “lộc biển” đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây.

[links()]

3 giờ sáng, khi những ánh sao đêm còn chưa kịp tắt, dọc bãi biển Mỹ Khê đã rộn ràng không khí lao động hăng say khi từng tốp người tay cầm dụng cụ, kéo nhau đi cào ốc ruốc. Đồ nghề bắt ốc là cây sào dài, một đầu gắn lưỡi cào bằng sắt và một tấm lưới dài để chứa số ốc cào được.

Không giống với những vùng ven biển khác người đi khai thác ốc ruốc thường ngồi thuyền, ngồi thúng ra xa để cào ốc thì ở đây, người ta chỉ đi cào bộ. Người cào ốc mang theo đồ nghề lội ra biển chừng đến hông hay ngang ngực người lớn tùy vào con nước, đạp chân xuống cát thấy lộm cộm, hơi nhớt chân là biết ở đó có ốc. Tìm ốc không khó nhưng để đem được con ốc vô đến bờ thì vô cùng nặng nhọc, tốn sức vì phải lội bộ trong nước nhiều giờ liền, cắm sâu đồ nghề xuống cát rồi kéo đi lui để lọc ra “lộc biển” giữa biển cát rộng mênh mông. Bởi vậy nên giữa những tốp đông người tham gia cào ốc, hiếm mà thấy được bóng dáng của người phụ nữ.

Những mẻ ốc gạo tươi ngon vừa được cào về
Những mẻ ốc gạo tươi ngon vừa được cào về

Ông Phạm Nhanh (50 tuổi) người “làng ốc ruốc” chia sẻ, cứ đến tháng Giêng âm lịch, vừa ăn Tết xong là chúng tôi lại đi cào ốc. Thời gian cào ốc tùy thuộc vào con nước, nước xuống là chúng tôi lại lội ra biển. Có hồi 3-4 giờ sáng mình đi cào, hồi thì chừng 4 giờ chiều, nhiều bữa đi từ 12 giờ khuya cũng có, cào đến hết tháng 3 âm lịch thì ốc cũng hết mùa. Nghề cào ốc phải đi theo từng nhóm nhiều người. Bởi mưu sinh trên biển cũng lắm hiểm nguy, lỡ mà gặp sóng gió, sụp hố cát thì còn giúp đỡ nhau kịp thời.

Những người đi cào ốc ruốc mỗi người đều có mỗi nghề riêng. Người làm thợ sắt, người làm thợ hồ, cũng có người đi đánh bắt xa bờ ở tận vùng Hoàng Sa, Trường Sa... nhưng cứ đến mùa là lại tập trung rủ nhau đi cào ốc. Dẫu tốn nhiều sức nhưng bù lại kiếm được nhiều tiền.

Trung bình một ngày, mỗi người cào được 5-7 thau ốc ruốc, mỗi thau ốc nặng chừng 20kg, được thương lái thu mua với giá 200.000 đồng. Ốc ruốc cào lên được đổ ra thau ngâm trong nước biển. Sau khi đã thu đủ lượng ốc, chúng tôi sẽ sàng ốc trên rổ để lựa lấy con to, những con ốc nhỏ được trả lại biển chờ đến khi lớn mới lại cào về, ông Nhanh cho biết.

Theo nhiều người dân địa phương, ốc gạo Tịnh Khê thường có kích thước nhỏ hơn các nơi. Tuy vậy, ốc gạo Tịnh Khê lại có vị ngọt, béo, thơm mà khó nơi nào bì được.
Theo nhiều người dân địa phương, ốc gạo Tịnh Khê thường có kích thước nhỏ hơn các nơi. Tuy vậy, ốc gạo Tịnh Khê lại có vị ngọt, béo, thơm mà khó nơi nào bì được.

Bà Đỗ Thị Nga vợ ông Nhanh cũng là người bán ốc gạo tại chợ Tịnh Khê bộc bạch, ở thôn Cổ Lũy, mỗi một người đàn ông đi cào ốc ruốc sau khi bán cho thương lái đều để lại một phần đem về cho vợ, cho mẹ. Số ốc đem về sau khi làm sạch cát, luộc chín và nêm nếm gia vị sẽ được đem ra chợ bán. So với số tiền kiếm được từ việc cào ốc thì nấu ốc bán chẳng đáng là bao. Thế nhưng điều mà những người phụ nữ thôn Cổ Lũy chúng tôi muốn là được tự tay chế biến thành quả mà chồng, con mình đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức để thấu hiểu được nỗi cực nhọc của người cào ốc; cũng là muốn thứ sản vật mà thiên nhiên khi đến tay thực khách sẽ là món ăn trọn vị, đậm đà nhất có thể.

“Ốc ruốc muốn cho ngon trước tiên phải được làm sạch cát. Bởi vậy, mỗi người đi cào ốc đều xây cho nhà mình 1 cái bể. Ốc đem về cho vào bể ngâm nước mặn và sục khí oxi. Trải qua nhiều lần ngâm, xả nước, ốc được đem ra chế biến với các loại gia vị, hành, tỏi, sả, ớt sao cho thơm ngon vừa miệng. Làm ốc ruốc là nghề truyền thống đã có từ rất lâu ở thôn Cổ Lũy nhưng chỉ mấy năm gần đây nghề mới trở nên phát đạt. Sự phát triển của nghề ốc một phần cũng nhờ vào công nghệ khi những người dân làng ốc đã biết đăng bài quảng cáo lên mạng xã hội. Để từ đó, bạn hàng, khách lẻ tìm đến mua ốc cũng ngày một đông hơn. Giá mỗi lon ốc gạo đã qua chế biến là 10.000 đồng. Năm nay, ốc ruốc được mùa mà giá bán vẫn cao nên người làng ai nấy đều phấn khởi”, chị Mỹ Phương – một người bán ốc tại chợ Tịnh Khê chia sẻ.

Mùa ốc gạo có từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch nhưng ốc đầu mùa vẫn là ngon nhất. Càng về cuối mùa, khi những cơn nắng oi bức kéo dài làm nước biển mặn hơn thì ốc cũng chát đi thay vì vị ngọt vốn có. Tuy là nghề thời vụ nhưng cào ốc gạo đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xã. Trung bình một mùa, mỗi người dân cào ốc gạo bỏ túi được 50 triệu đồng, thậm chí có người còn kiếm được cả trăm triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê ĐỖ MINH CƯỜNG

 

“Chần chần ơi hỡi chần chần/ Ham ăn bỏ việc không mần mạ la”. Tuy có kích thước bé nhỏ nhưng sau khi được nấu chín, nêm nếm gia vị, ốc ruốc lại trở thành món ăn ngon, dễ gây thương nhớ đối với nhiều người. Và cũng chính nhờ cái hương vị thơm thơm, béo béo đặc trưng mà ốc ruốc từ lâu đã được xem là thứ lộc biển đem lại cuộc sống ấm no cho biết bao người, trong đó có cả những hộ dân thôn Cổ Lũy.

An Hiên 


.