Phát huy mô hình dân vận khéo

17:31, 14/11/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ thực tế ở cơ sở, các hội, đoàn thể ở nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai các mô hình “dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình “Phao cứu sinh bằng lốp xe máy"

Sau khi được kiên cố hóa, tuyến kênh chính Nam qua địa bàn xã Đức Hòa (Mộ Đức) dài hơn 2km trở nên nguy hiểm đối với người dân. Ta luy kênh bằng bê tông có độ dốc lớn, trơn trượt. Do đó, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Để hạn chế rủi ro đuối nước trên tuyến kênh này, cuối năm 2021, Đoàn Thanh niên xã Đức Hòa đã đăng ký với cấp ủy địa phương xây dựng mô hình “Phao cứu sinh bằng lốp xe máy". Vật liệu làm phao cứu sinh là lốp xe máy phế liệu do đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thu gom.

Cùng với đó, Đoàn xã vận động mạnh thường quân trên địa bàn xã đóng góp kinh phí xây dựng mô hình. Lốp xe được sơn phản quang kết nối bằng dây thép. Mỗi phao có 6 lốp xe, đặt cách nhau 25m theo hình dích dắc dọc 2 bên bờ kênh. Các dây phao được cố định vào bờ bằng móc sắt. Kinh phí ban đầu để làm hệ thống phao cứu sinh gần 20 triệu đồng và huy động ngày công của đoàn viên, thanh niên.

Mô hình “Phao cứu sinh bằng lốp xe máy” của Đoàn Thanh niên xã Đức Hòa (Mộ Đức).
Mô hình “Phao cứu sinh bằng lốp xe máy” của Đoàn Thanh niên xã Đức Hòa (Mộ Đức).

Bí thư Đoàn xã Đức Hòa Huỳnh Huy Thành cho biết, nhờ có những chiếc phao bằng lốp xe, năm 2022, đã cứu được 2 người và nhiều gia súc bị rơi xuống kênh này. Để duy trì hiệu quả mô hình, hằng tháng, Đoàn xã phân công một chi đoàn phát quang, dọn rác bám vào phao và kiểm tra độ chắc chắn của phao. Người dân địa phương rất hoan nghênh và ủng hộ mô hình phao cứu sinh này của thanh niên địa phương.

Mô hình phao cứu sinh của Đoàn Thanh niên xã Đức Hòa là một trong nhiều mô hình dân vận khéo được Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá rất thiết thực, hiệu quả và có thể nhân rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh.

Nhân rộng các mô hình dân vận khéo

Trong 3 năm trở lại đây, có một số mô hình dân vận khéo mang lại hiệu quả được nhân rộng theo cách làm mới. Chẳng hạn như mô hình "Cánh đồng 3 không" của Hội Nông dân xã Đức Tân (Mộ Đức).

Trước đây là đặt các ống bi trên các cánh đồng để người dân bỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi khi trời mưa to, rác thải được thu gom trôi ra bên ngoài; khi nắng ráo thì nông dân lại đốt tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2022, Hội Nông dân xã Đức Tân đã triển khai mô hình điểm “Cánh đồng 3 không” (không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông, rác thải ra kênh mương nội đồng; không sử dụng thuốc trừ cỏ cháy và không sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất) trên địa bàn thôn 3.

Để mô hình phát huy hiệu quả, Hội Nông dân xã phối hợp với Chi bộ thôn và Chi hội Nông dân tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của mô hình; vận động kinh phí từ hội viên để làm thùng đựng rác. Các thùng rác được thiết kế theo kiểu phân loại bao bì, chai lọ hợp lý, khoa học. Kinh phí để làm mỗi thùng rác là 1,5 triệu đồng. 

Sau khi hoàn thành mô hình, Hội Nông dân bàn giao lại cho các chi hội để sử dụng, thu gom rác thải theo định kỳ. Phân công người thường xuyên theo dõi và đôn đốc chi hội thực hiện. Hiện đã có 7 thùng rác đặt tại 5 thôn trên địa bàn xã.

Tại huyện Sơn Tây, để chia sẻ với những khó khăn của người dân là đồng bào dân tộc, kể cả hội viên, giữa năm 2023, Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tây đã triển khai mô hình “Gian hàng quần áo miễn phí”. Từ khi mô hình đi vào hoạt động tháng 6/2023 đến nay, đã huy động được hơn 2.000 bộ quần áo, qua đó giúp cho hơn 1.000 lượt hội viên và người dân có quần áo để sử dụng.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tây Đinh Huy Đôi cho biết, qua mô hình giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh và hội viên trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, hội viên và nhân dân.

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Ngọc Nguyên, dân vận đúng, trúng là cần thiết, nhưng “dân vận khéo” thì đòi hỏi người cán bộ phải đổi mới tư duy, cách làm mới và phải sâu sát cơ sở thì mới thành công. Qua kiểm tra 8 mô hình "dân vận khéo" ở các địa phương mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy nhận thấy nhiều mô hình có sự đổi mới về cách làm, đặc biệt là hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Trong đó, có vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự hưởng ứng có trách nhiệm của các hội, đoàn thể ở cơ sở. Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các hội, đoàn thể cấp tỉnh như Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh đoàn đánh giá và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.

 

Bài, ảnh: X.THIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:31, 14/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.