Những "cơn bão" không đến từ biển

05:07, 24/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người phụ nữ ngồi bó gối bên góc nhà khóc thút thít. Kế bên, bà mẹ chồng tay nắm chặt thanh sắt cửa sổ đôi mắt đỏ hoe nhìn xa xăm ra hướng biển. Chàng ngư phủ ngồi lặng thinh, khuôn mặt bần thần chẳng khác đang đối mặt với cơn bão biển giữa trùng khơi. Giá xăng, dầu nhiều lần tăng cao như  “cơn bão bờ” đang quần thảo những phận đời ngư phủ...
 
Giờ đây, hơn 38 nghìn ngư dân Quảng Ngãi đang phải “cân - đo - đong- đếm”  cho từng chuyến biển, cho từng cuộc mưu sinh mới...
 
Tạm neo tàu
 
Những năm trước, tháng 7 là lúc ngư dân rộn ràng vươn khơi đánh bắt hải sản, nhưng năm nay, lượng tàu neo trú tại bờ dày đặc. Dưới chân cầu An Phú nối đôi bờ 2 xã biển Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) hiện có hơn trăm con tàu công suất lớn nhỏ “quấn chặt” lấy nhau. Có tàu đã neo và nằm ở đây rất lâu, cả năm chưa có chuyến khởi hành ra biển. “Đi biển ư? Đi là lỗ thì đi làm gì. Neo tàu, bỏ biển chứ giờ trụ sao nổi nữa. Cá ít, xăng dầu thì cao ngất ngưỡng, hỏi thử lấy đâu ra đồng lời mà đi chi”, tiếng lòng đầy chán chường, phát ra từ ông Lê Pu Chia, chủ  tàu cá QNg-92230TS. Phải trăn trở, đắn đo lắm, một ngư phủ dày dạn biển khơi như ông Chia mới đi đến quyết định khó nhất của đời ngư phủ: Neo tàu nằm bờ.
 
Tàu cá của ngư dân ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) nằm bờ vì giá xăng, dầu tăng cao.
Tàu cá của ngư dân ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) nằm bờ vì giá xăng, dầu tăng cao.
Hải sản khai thác lúc có lúc không, ông Chia và anh em bạn biển cũng trụ được. Giá hải sản bấp bênh lúc cao lúc thấp, tàu ông cũng cố ra khơi để duy trì nghề biển. Nhưng, giá xăng, dầu tăng quá cao buộc ông Chia buông tay với nghề. Bởi, ông càng ra khơi lúc này thì chỉ càng gánh thêm nợ. Mà ở xã biển Nghĩa An, đâu chỉ có mỗi mình ông Chia cho tàu nằm bờ. Những chủ tàu đang trong cảnh ngộ như ông giờ rất nhiều.
 
Mùa đánh bắt chính trong năm mà tàu cá lại neo kín ở các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền như đang chạy trốn từng cơn sóng dữ trong mùa biển động. “Tôi làm biển hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy cảnh này. Đi biển mà cầm chắc phần lỗ thì thật sự chẳng ngư dân nào dám liều. Nằm bờ chờ xăng, dầu có hạ giá xuống thì mới đi biển trở lại. Khi ấy, may còn có đồng ra đồng vào”, một ngư dân thổ lộ ngay tại bến cảng Sa Kỳ.
 
Quảng Ngãi có gần 4.600 tàu cá, nhưng hiện tại có tới 45% trong số này phải chịu cảnh nằm bờ trước tác động của giá xăng, dầu. Mỗi một tàu cá nằm bờ lại có thêm hàng chục lao động phải bỏ nghề biển để lên bờ và thêm những điểm cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá phải đóng cửa. “Giờ hễ chủ tàu kéo neo đi biển là sợ lỗ tổn. Mỗi chuyến biển xa bờ tốn 1.000, 2.000 lít dầu, nếu ra đánh bắt không có thì coi như lâm nợ. Vì vậy, nhiều ngư dân chọn cách cho tàu nằm bờ. Tàu neo không đi biển càng nhiều, thì cơ sở cung cấp nhiên liệu như tôi cũng phải đóng cửa theo chứ biết bán cho ai”, chủ cửa hàng xăng dầu Hương Sơn Đinh Thiên Sơn chua chát nói.
 
Mong tiếp tục được vươn khơi
 
Nghề biển mà không đi biển thì lấy gì làm kế sinh nhai? Không đi biển thì phải làm gì để xoay xở ngay trong thời bão giá? Những câu hỏi lùng nhùng ấy đã khiến không ít chủ tàu và bạn biển chới với. Có chủ tàu rao bán tàu. Có ngư dân phải từ bỏ biển khơi sau mấy mươi năm để lên cạn tìm một nghề mới mưu sinh.
 
Ngư dân Phạm Linh từng là chủ tàu giờ lên cạn làm thợ sơn.
Ngư dân Phạm Linh từng là chủ tàu giờ lên cạn làm thợ sơn.
Từng sở hữu con tàu đánh bắt khơi xa, nhưng giờ anh Phạm Linh, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã phải bán tàu lên cạn mưu sinh. Làm công nhân ở KCN VSIP Quảng Ngãi được một thời gian thì anh Linh đổi nghề. Anh thành thợ sơn, vào tận tỉnh Long An để làm việc. Đôi tay từng quen với con tàu, tấm lưới giờ lại gắn bó với cây cọ, con lăn. “Đi biển giờ phải chịu lỗ vốn liên tục, vì giá xăng, dầu tăng cao. Buồn nhưng phải cố thôi. Mình không chuyển đổi nghề, bám biển miết thì khổ không biết đến bao giờ nữa”, anh Linh trút nỗi lòng. Chuyện bán tàu, bỏ biển rồi lên cạn như anh Linh cứ ngày một nhiều lên như những cơn sóng dữ mùa biển động.
 
Tàu không đi biển thì khó càng thêm khó. Không có thu nhập, nhiều chủ tàu cá đến kỳ hạn trả lãi vay thì mếu máo vì không xoay đâu ra đủ tiền. Dần dần họ phải gánh nợ xấu và rồi đành ngậm ngùi nhìn con tàu, ngôi nhà của mình bị ngân hàng “siết nợ”.
 
Gia đình chị Võ Thị Thanh Thủy, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) giờ phải ở nhờ trong chính ngôi nhà của mình.
Gia đình chị Võ Thị Thanh Thủy, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) giờ phải ở nhờ trong chính ngôi nhà của mình.
Hút sâu trong con xóm nhỏ ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An là gia cảnh buồn của vợ chồng chị Võ Thị Thanh Thủy. Cả nhà chị Thủy đang phải sống nhờ trong chính ngôi nhà mà 2 vợ chồng chắt chiu, dành dụm xây dựng. Với khoản nợ hơn 5 tỷ đồng không còn khả năng trả, ngôi nhà và tàu thuyền của gia đình chị Thủy đều bị ngân hàng kê biên, tịch thu để bán đấu giá. Từ một gia đình có của ăn của để từ nghề biển, giờ đây vợ chồng chị Thủy coi như trắng tay phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi 3 đứa con và người mẹ già trong cái khó bủa vây.
 
“Ngôi nhà này giờ là của ngân hàng, họ chỉ cho ở tạm. Khi nào có người mua thì mình dọn ra chỗ khác. Tiền bạc trong tay thì không có, tài sản đã bán hết”,  chị Thủy giàn giụa nước mắt.
 
Trước tình cảnh của nhiều ngư dân địa phương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công nêu kiến nghị, UBND tỉnh cần tiếp tục kiến nghị với trung ương để xem xét có cơ chế hỗ trợ cho người dân chuyển đổi ngành nghề rồi khoanh nợ, giãn nợ và đặc biệt là quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội cho ngư dân. Làm thế nào để người dân ở các xã ven biển có điều kiện phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống, chứ ngư dân hiện giờ đang rất khó khăn.
 
Xăng, dầu tăng giá. Ngư dân ví nó như một “cơn bão bờ” dữ dội. Thoát khỏi “bão bờ” để vươn khơi vẫn đang là mong ước cháy bỏng của bao ngư phủ...
 
Tìm hướng hỗ trợ ngư dân
 
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khoá XIII, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, Quảng Ngãi có gần 4.600 tàu cá, với lực lượng khai thác trên biển là 38 nghìn lao động. Giá xăng, dầu tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến thu nhập của ngư dân, khiến họ gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát để có hướng hỗ trợ cho lực lượng sản xuất trên biển đang bị ảnh hưởng bởi giá xăng, dầu tăng. Khi triển khai thì tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ nghiên cứu để có sự hỗ trợ thêm cho ngư dân địa phương.
 
Bài, ảnh: VÕ MINH HUY
 
 

.