Tin học ở đảo Lý Sơn: Nhu cầu nhiều, nhưng thiếu máy và thiếu điện

02:07, 20/07/2011
.

(QNg)- Cả huyện đảo Lý Sơn có trên 21.000 người, nhưng dịch vụ Internet chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy trẻ em trên huyện đảo này rất thiếu các thông tin từ khai thác trên mạng Internet, để phục vụ cho việc học hành, giải trí. 

Bước từ tiệm internet ở thôn Đông (xã An Vĩnh) ra gặp chúng tôi, Phạm Văn Tế chưa hết hí hửng. "Còn tiền là em chưa về đâu. Hồi sáng mẹ cho có 10.000 đồng thôi, truy cập chỉ được một tiếng. Tiếc quá"-Tế than. Tế đã học hết lớp 5, ở đảo Bé xã An Bình. Sáng nay theo mẹ qua chợ xã An Vĩnh, Tế được mẹ cho 10.000 đồng thế là em vào tiệm internet chơi điện tử. "Sao không chơi bên đảo Bé?"- Chúng tôi hỏi. Tế bảo: Ở bên đó làm gì có internet mà chơi. Vì vậy cứ mỗi lần "thèm" internet, Tế và các bạn xin ba mẹ sang bên đảo Lớn để chơi. Thế nhưng dù giá cao gấp gần 3 lần so với đất liền (Lý Sơn tiền thuê chơi 6.000 - 8.000 đồng/giờ), nhưng có hôm nhiều người truy cập internet, Tế chực trước tiệm cho đến khi mẹ đi chợ về cũng không có máy để chơi.
 
 Trẻ em Lý Sơn truy cập internet chủ yếu là chơi game.
Trẻ em Lý Sơn truy cập internet chủ yếu là chơi game.

Chuyện chơi điện tử trên mạng đã khó một, thì truy cập trên mạng để lấy thông tin phục vụ học tập của trẻ em huyện đảo Lý Sơn còn khó... mười. Theo thống kê 3 xã của huyện đảo hiện chỉ có 6 tiệm internet, trong đó có một vài tiệm mở cửa không thường xuyên. Tất cả học sinh, giáo viên và cán bộ, nhân dân trên đảo khi muốn truy cập mạng thì đến các tiệm internet. Tuy nhiên với học sinh ở đây thì vào tiệm internet chủ yếu vẫn là chơi game.

Theo ông Trần Phúc Sinh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn, nguyên nhân do một phần là lứa tuổi còn nhỏ, trong khi đó các em lại thiếu định hướng của phụ huynh và giáo viên. Thực tế phần lớn giáo viên THCS và tiểu học trên đảo không biết sử dụng vi tính và mạng internet (trừ lớp giáo viên ra trường những năm gần đây). Tất cả các trường tiểu học và THCS trên huyện đảo hiện chưa có mạng internet. "Thậm chí ngay cả máy vi tính phục vụ cho dạy và học, hiện chỉ có Trường THCS An Hải được 8 máy, ngoài ra không có trường nào có máy vi tính. Vì thế cả những giáo viên khi ra trường biết vi tính, nhưng lâu nay không sử dụng vi tính, giờ cũng lụt dần" - ông Sinh nói. Trên đảo các hiệu sách chỉ bán theo thời vụ (vào đầu các năm học), nhưng chủ yếu là sách giáo khoa. Ngoài ra vài điểm cho thuê sách trên huyện chủ yếu là cho thuê truyện thiếu nhi, còn thư viện của huyện Lý Sơn (có khoảng 200 đầu sách) thì không đủ phục vụ học tập và các kiến thức ngoài tầm hiểu biết của học sinh.

Tiệm internet Newlife của anh Trần Văn Đầy (thôn Đông, xã An Vĩnh) có 14 máy. Thông thường vào mùa hè ở các địa phương đất liền, giờ này là các tiệm internet đắt khách nhất. Anh Đầy giải thích: "Có vài em nhỏ nhưng không dám mở máy nổ, vì lỗ vốn như chơi". Trò chuyện với chúng tôi anh Đầy cho hay, nếu từ 5 em trở xuống vào tiệm internet thì lỗ vốn. Vì ban ngày đảo Lý Sơn không có điện, nên tiệm internet mở cửa thì chạy bằng máy nổ. Tuy nhiên mỗi giờ máy nổ "ngốn" khoảng 1,5 lít dầu (hơn 30.000 đồng) mà thu 6.000 đồng/em/giờ. Đó là chưa kể tiền truy cập internet, tiền thuế... Trẻ em vốn nghèo, kiếm đâu ra tiền để truy cập internet. Anh Đầy cho biết, nhu cầu học vi tính và truy cập mạng ngày càng nhiều chứ không ít. Vì anh đã dạy mười mấy lớp học vi tính cho học sinh (mỗi lớp trên 10 em), nhưng do thiếu điện, nên nhiều em học xong mà không thực hành được, kiến thức quên dần.

Đến cơ sở internet Tấn Vương ở thôn Tây (xã An Hải), chúng tôi cũng thấy rất nhiều em nhỏ ngồi trước máy vi tính. Có điều chỉ có vài ba máy đang hoạt động. Theo chủ cơ sở này em nào cũng ham học, truy cập trên mạng, nhưng vì không có tiền, nên "một chơi, ba thưởng thức như vậy". Cơ sở còn lại chỉ mở khi nào có từ 5-10 em trở lên. Tìm hiểu, chúng tôi còn biết, cách đây chừng 3 năm, đất đảo Lý Sơn có khoảng 15 tiệm internet nhưng vì không có điện nên kinh doanh không có lời lãi bao nhiêu. Vì thế, các tiệm internet... "dẹp tiệm" dần và đến nay chỉ còn 6 cơ sở. 

Trường THCS An Hải có dạy vi tính. Tuy nhiên, do nguồn điện không có, nên mỗi lần dạy tin học, nhà trường phải cho chạy máy nổ. Vào ban đêm điện có từ 17-23 giờ, nhưng giờ này thì không thể dạy tin học cho học sinh được. Trong khi đó nguồn kinh phí chi cho hoạt động này không đảm bảo, nên việc dạy tin học chỉ mang tính "xóa mù". Ngoài ra, do ảnh hưởng của biển, máy vi tính ở đây cũng rất dễ hỏng. Muốn sửa chữa máy vi tính, phải gửi vào đất liền. "Có máy thì ít nhất phải có điện. Còn không có điện thì chạy máy nổ. Dù biết chạy máy nổ tốn tiền, nhưng nếu được trang bị máy vi tính, chúng tôi sẽ dạy, phổ biến tin học khắp các trường học trong huyện. Đây cũng là cách giúp cho giáo viên, học sinh trên đảo Lý Sơn dạy và học tốt hơn" - ông Sinh khẳng định.       
            
Bài, ảnh: PHẠM ANH

.