Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có

03:06, 25/06/2022
.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời kêu gọi hành động để ổn định thị trường lương thực.
 
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. (Ảnh: AP)
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. (Ảnh: AP)
Nguy cơ xảy ra nhiều nạn đói trong năm 2022 đang thực sự hiện hữu. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo như vậy tại hội nghị về an ninh lương thực diễn ra vào ngày 24/6 ở Đức.
 
Theo ông Guterres, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, dẫn đến nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều quốc gia trong năm nay và năm 2023.
 
"Năm 2022 có nguy cơ xảy ra nhiều nạn đói. Và năm 2023 có thể còn tồi tệ hơn", ông Guterres nói.
 
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại trong những năm gần đây như biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch COVID-19... Ông cũng kêu gọi các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu ở Berlin giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển, qua đó góp phần ổn định thị trường lương thực và giảm nhẹ biến động của giá hàng hóa.
 
Số người phải đối mặt với "mức độ mất an ninh lương thực cực cao" đã lên tới 155 triệu người trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Số người phải đối mặt với "mức độ mất an ninh lương thực cực cao" đã lên tới 155 triệu người trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Phát biểu qua video, ông Guterres cho biết, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Ông nhấn mạnh việc xảy ra một nạn đói lớn trong thế kỷ 21 là điều không thể chấp nhận được.
 
"Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu chưa từng có. Cuộc chiến ở Ukraine làm phức tạp thêm nhiều vấn đề vốn đã tồn tại trong nhiều năm như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, tình trạng phục hồi không đồng đều", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói trong cuộc họp hôm 24/6.
 
Theo ông Guterres, sẽ không thể có giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trừ khi Ukraine và Nga, hai nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới, chiếm khoảng 25% nguồn cung lúa mì toàn cầu, nối lại hoạt động thương mại.
 
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình cảnh đói ăn, trong khi hàng triệu người ở 34 quốc gia khác đang trên bờ vực của nạn đói.
 
Theo Quỳnh ChiVTV.vn 
 

.