Mượt mà làn điệu bài chòi

08:09, 01/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca - bài chòi, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca - bài chòi, lưu truyền những lời ca mượt mà, thấm đẫm tình quê. Qua đó, nhiều cá nhân đã thể hiện năng khiếu, chung tay gìn giữ để môn nghệ thuật này sống mãi với thời gian.
 
[links()]
 
Đam mê và gìn giữ
 
Là thành viên lớn tuổi nhất của CLB Dân ca bài chòi huyện Nghĩa Hành, ông Đào Ngọc Chúng (82 tuổi), ở xã Hành Thịnh vẫn luôn nhiệt huyết biểu diễn và truyền dạy bài chòi cho con cháu, thế hệ trẻ tại địa phương. Ông Chúng chia sẻ, trước đây tôi đi bộ đội, tham gia đội văn công huyện, thường xuyên biểu diễn bài chòi để khích lệ tinh thần chiến đấu của đồng đội. Với tôi, bài chòi là lẽ sống, là đam mê. 
 
Một tiết mục tham gia giao lưu nghệ thuật dân ca - bài chòi huyện Nghĩa Hành mở rộng năm 2022.
Một tiết mục tham gia giao lưu nghệ thuật dân ca - bài chòi huyện Nghĩa Hành mở rộng năm 2022.
Hơn ai hết, ông Chúng thấu hiểu những giá trị sau những làn điệu trữ tình của nghệ thuật bài chòi trên quê hương mình. Chính vì vậy, mỗi khi CLB Bài chòi huyện sinh hoạt, hay có hội thi, hội diễn, ông luôn là hạt nhân tiên phong tham gia biểu diễn, hướng dẫn các thành viên trẻ. “Những ca khúc bài chòi có khi chỉ để người nghe đắm mình trong thú vui tao nhã, song cũng có lúc là những lời tự sự về nhân tình thế thái, tình làng nghĩa xóm. Điều đó đã góp phần tạo nên cốt cách mộc mạc của nghệ thuật bài chòi", ông Chúng thổ lộ.
 
Mới 9 tuổi, nhưng em Võ An Nhiên, ở huyện Lý Sơn, đã tự tin thể hiện rất nhiều bài hát dân ca bài chòi như Lý Mô Ní, Lý Thiên Thai... Vốn có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, An Nhiên là một trong những thành viên nhỏ tuổi được thường xuyên biểu diễn trong các phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương. An Nhiên bộc bạch, em sẽ tiếp tục học hỏi để góp phần gìn giữ nét đẹp của bài chòi.
 
Tương tự, đối với chị Phan Huyền Vy (24 tuổi), ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), thành viên CLB Dân ca bài chòi huyện Mộ Đức, thì bài chòi như một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày. Ngày nhỏ, chị Vy đã được hun đúc tình yêu bài chòi từ người mẹ là nghệ nhân bài chòi Phạm Hồng Lượng. Thừa hưởng năng khiếu và được sự tận tình chỉ dạy của mẹ, chị My thường xuyên biểu diễn trên các sân khấu tại các hội thi, hội diễn về bài chòi.
 
Thành lập nhiều câu lạc bộ bài chòi
 
Huyện Lý Sơn là địa phương thứ 7 trong tỉnh thành lập CLB dân ca bài chòi. Tại nhiều đêm biểu diễn, các thành viên CLB Dân ca bài chòi huyện Lý Sơn đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn ấn tượng. Câu lạc bộ hiện có 15 thành viên. Anh Nguyên Hải, thành viên CLB Dân ca bài chòi huyện Lý Sơn chia sẻ, dù mới thành lập, nhưng các thành viên CLB đã nỗ lực tập luyện, thường xuyên tổ chức sinh hoạt, sáng tạo nhiều tiết mục mới để tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách đến với Lý Sơn.
 
Trước huyện Lý Sơn, các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi đã thành lập CLB Dân ca bài chòi. Từ đó xây dựng nhiều chương trình biểu diễn, với những điệu lý, câu hò, vè mộc mạc, hóm hỉnh, gắn liền với lao động, sản xuất... Các CLB đã góp phần đưa nghệ thuật bài chòi đến gần hơn với công chúng. Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Mộ Ðức Võ Việt Cường, huyện đã mở các lớp truyền dạy hát dân ca bài chòi, cách thức tổ chức chơi bài chòi cho người dân trên địa bàn huyện. Ðiều đáng quý là các lớp dạy hát dân ca bài chòi có nhiều người trẻ theo học. Chính lời ca mộc mạc, dễ đi vào lòng người của bài chòi giúp các bạn trẻ càng học càng cảm thấy thích thú, quyết tâm gắn bó với bài chòi.
 
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến cho biết, thời gian qua, ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan bài chòi. Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên trên địa bàn tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật bài chòi. Bên cạnh phục vụ nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong nhân dân, còn phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân biểu diễn nghệ thuật bài chòi để đào tạo, phát triển lực lượng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa. "Ngành văn hóa sẽ tiếp tục nhân rộng các CLB bài chòi ở các địa phương, cũng như tổ chức nhiều hơn các hoạt động, sự kiện liên quan đến bài chòi, để phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh", ông Tiến nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 

.