Nông sản, thực phẩm tại chợ: Khó kiểm soát chất lượng

04:10, 26/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chợ là nơi lưu thông, cung cấp số lượng lớn hàng hóa thiết yếu và nhiều mặt hàng tiêu dùng cho người dân. Tuy nhiên, hàng hóa tại chợ được thương lái thu mua từ nhiều nơi khác nhau, nên khó xác định nguồn gốc xuất xứ và các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
 
[links()]
 
Khó nhận diện
 
Ngoài những hộ có đăng ký kinh doanh, thì chợ Thu Lộ, phường Trần Phú và chợ Nghĩa Lộ, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) có hàng trăm hộ kinh doanh vãng lai. Hoạt động buôn bán tại các trục đường xung quanh chợ cũng diễn ra khá sôi động. Hầu hết các hộ kinh doanh trong và ngoài chợ Thu Lộ, Nghĩa Lộ chủ yếu buôn bán nông sản thu mua từ nhiều địa phương, cả trong và ngoài tỉnh. Tại khu vực bán thịt gia súc gia cầm, phần lớn hộ kinh doanh thịt sống đã trang bị bàn inox, nhưng dụng cụ sơ chế chưa đáp ứng yêu cầu, người kinh doanh chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Một số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm chưa được đóng dấu kiểm dịch của thú y. Còn tại khu kinh doanh rau, củ, quả, thì phần lớn hàng hóa được bày trên bạt ni lông, hoặc để trực tiếp trên nền chợ, không đảm bảo yêu cầu về ATVSTP.
 
Hàng hóa tại Chợ Đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, nên rất khó kiểm soát về chất lượng.
Hàng hóa tại Chợ Đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, nên rất khó kiểm soát về chất lượng.
Đối với Chợ Đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi, phóng viên đã trực tiếp quan sát và nhận thấy, nguồn nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối rất phong phú, đa dạng, nhưng phần lớn là không có tem, nhãn mác. Đa phần thương lái thực hiện phương thức mua bán truyền thống (giao ngay) nên chỉ ghi chép (thủ công) số lượng nông sản nhập vào, bán ra và bán cho đơn vị nào... chứ không quan tâm đến những thông tin như địa điểm, quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch và xuất bán. Bà Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương buôn bán trái cây tại chợ cho biết, hàng về tôi chỉ có thể thống kê chủng loại, địa chỉ cung cấp, giá bán, chứ chất lượng thì... chịu! Vì trong 2 - 3 giờ, chúng tôi mua bán, trao đổi và trung chuyển vài tấn trái cây đến các chợ thì làm sao mà kiểm tra chất lượng được. 
 
Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa, phần lớn là rau, củ, quả, trái cây... được thương lái từ các tỉnh chở đến bán trực tiếp tại chợ, trong khi nguồn hàng chưa được ngành chức năng kiểm soát các tiêu chuẩn về ATVSTP cũng như nguồn gốc xuất xứ. Chính vì vậy, dù các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra tại chợ đầu mối và một số chợ dân sinh trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, song không thể kiểm soát toàn bộ nguồn gốc và ATVSTP của nông sản, thực phẩm.
 
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đức Bình lý giải, nông sản và thực phẩm tại các chợ được thương lái thu gom từ nhiều nguồn nên hầu như không có tem nhãn, không hóa đơn, hợp đồng chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, cả người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại các chợ cũng xem nhẹ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như các điều kiện ATVSTP.
 
Kiểm soát theo chuỗi sản xuất
 
Khoảng 80 - 90% nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối được phân phối tiêu thụ ở các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và các địa phương lân cận. Do đó, nếu nguồn gốc nông sản ở chợ đầu mối được kiểm soát tốt, sẽ giám sát được chất lượng các mặt hàng bán tại chợ dân sinh. Vấn đề là, sản lượng và chủng loại nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối quá lớn, nên việc kiểm soát theo hình thức “lấy mẫu” rất khó khả thi. Bởi vì, nếu test thì kết quả sớm nhất là 24 giờ, chậm phải 3 - 4 ngày. Mà test nhanh chỉ có kết quả với những mẫu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Hơn nữa, chi phí test hay lấy mẫu kiểm nghiệm khá cao, nên hầu như hộ kinh doanh không quan tâm, trừ khi khách hàng có yêu cầu.
 
“Một trong những giải pháp căn cơ là giám sát chặt chẽ khâu sản xuất, tổ chức liên kết người sản xuất với chuỗi bán lẻ. Điều này sẽ vừa cân đối nguồn cung - cầu, vừa tạo điều kiện thuận lợi khi truy xuất nguồn gốc, kiểm soát ATVSTP, tiến đến xây dựng chợ an toàn”, ông Bình đề xuất.
 
Một yêu cầu đặt ra hiện nay là cần xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát vùng trồng gắn với hệ thống kiểm soát, giám sát đầu vào - đầu ra của nguồn nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối. Qua đó, tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cũng như các tiêu chuẩn về ATVSTP.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.