Nông dân Sơn Tịnh: Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau

02:10, 03/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp hội nông dân ở huyện Sơn Tịnh đã tập hợp, liên kết thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT), giúp nông dân gắn kết và chia sẻ trong phát triển kinh tế gia đình.
 
[links()]
 
Liên kết phát triển chăn nuôi
 
Tham gia CLB Chăn nuôi bò vỗ béo của xã Tịnh Hà từ ngày đầu mới thành lập, sau gần 2 năm, ông Nguyễn Xuân Quyền, ở thôn Thọ Lộc Đông, đã được hỗ trợ và học hỏi nhiều kinh nghiệm để phát triển đàn bò của gia đình. Ông Quyền chia sẻ, tôi chăn nuôi bò thịt từ năm 2014 nhưng đến năm 2019, tôi mới xây dựng chuồng trại khép kín, với tổng diện tích trên 300m2, xây nhà chống lụt cho bò và đầu tư hệ thống nước uống, camera theo dõi... Là người đã có kinh nghiệm chăn nuôi bò, nhưng năm 2020, khi biết thông tin địa phương có thành lập CLB Chăn nuôi bò vỗ béo, tôi đã đăng ký để có cơ hội tiếp tục học hỏi kiến thức mới.
 
Ông Nguyễn Xuân Quyền, ở thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, chăm sóc đàn bò của gia đình.  Ảnh: H.THU
Ông Nguyễn Xuân Quyền, ở thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: H.THU
"Qua 2 năm tham gia CLB, không chỉ được địa phương hỗ trợ cám, tập huấn kỹ thuật, mà tôi còn được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với nhiều nông dân chăn nuôi bò khác ở địa phương, nhất là kiến thức tự chế biến thức ăn cho bò, vừa giảm chi phí mua cám, vừa nâng cao chất lượng thịt. Nhờ vậy, tôi tự tin mở rộng quy mô, trung bình mỗi năm, tôi xuất bán từ 20 - 30 con bò lai, với giá thành dao động trong khoảng 40 triệu đồng/con", ông Quyền cho biết.
 
Xuất phát từ nhu cầu muốn liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi của các hộ dân chăn nuôi bò, giữa năm 2020, Hội Nông dân xã Tịnh Hà đã thành lập CLB Chăn nuôi bò vỗ béo, thu hút nhiều nông dân địa phương tham gia. Đến nay, CLB có 110 thành viên ở 11/11 thôn của xã. Thành viên CLB đều là những nông dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò thịt.
 
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Hà Trần Văn Nhành, các thành viên CLB không chỉ giúp nhau về kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi hiệu quả, mà còn liên kết, giới thiệu những đầu mối thu mua giá thành ổn định cho nhau. Địa phương cũng đã phối hợp với CLB để tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, với tổng giá trị trên 100 triệu đồng. Sau hơn 2 năm hoạt động, những thành viên trong CLB đều mở rộng quy mô chăn nuôi và hiệu quả kinh tế ngày càng được nâng cao. Đến nay, đàn bò thịt của các thành viên CLB đã lên đến gần 1.000 con.
 
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh có nhiều CLB, THT thành lập và hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng trăm nông dân cùng ngành nghề ở địa phương tham gia. Tiêu biểu như THT Nuôi cá lồng bè ở xã Tịnh Sơn, sau gần 8 năm thành lập đã thu hút 45 hộ tham gia cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các thành viên trong THT đã bàn bạc, thống nhất chuyển đổi, phát triển THT lên Hợp tác xã Nuôi cá lồng bè Tịnh Sơn, để đăng ký, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm cá ở địa phương.
 
Góp vốn quay vòng
 
Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân có vốn sản xuất, tránh việc vay nặng lãi, năm 2015, Hội Nông dân xã Tịnh Bắc đã triển khai mô hình Tổ nông dân liên kết góp vốn quay vòng (Tổ góp vốn) tại các chi hội. Hằng tháng, mỗi thành viên sẽ tiết kiệm từ 100 - 500 nghìn đồng để gửi vào Tổ góp vốn. Từ nguồn vốn có được, tổ sẽ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn mượn để phát triển kinh tế, sau đó từng người sẽ bốc thăm để mượn số vốn còn lại.
 
Trước đây, gia đình ông Trần Đình Hiền, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, thuộc diện rất khó khăn. Vợ bị bệnh nặng, một mình ông Hiền chăm lo cho cả gia đình, tiền làm ra bao nhiêu đều dành chữa bệnh cho vợ. Năm 2016, Chi hội Nông dân thôn Minh Xuân đã tạo điều kiện cho ông Hiền mượn 20 triệu đồng từ Tổ góp vốn. Từ số tiền này, ông Hiền đã mua một con nghé về nuôi, số còn lại ông dùng để mua phân bón và giống sản xuất. Sau hơn 1 năm, ông bán con bò được 35 triệu đồng, một phần trả nợ cho Tổ góp vốn, phần còn lại ông Hiền mua một con nghé và heo giống về nuôi. Nhờ đó, gia đình ông Hiền dần vượt qua khó khăn và có cuộc sống ổn định. “Nhờ nguồn vốn mượn được của Tổ góp vốn, gia đình tôi mới có thể vượt qua lúc khó khăn, cuộc sống cũng không còn cảnh thiếu trước hụt sau như trước đây", ông Hiền bộc bạch.
 
Máy băm đất của vợ chồng bà Lê Thị Tuyết, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc , được mua từ vốn đã mượn của Tổ góp vốn.                           Ảnh: K.TRANG
Máy băm đất của vợ chồng bà Lê Thị Tuyết, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc , được mua từ vốn đã mượn của Tổ góp vốn. Ảnh: K.TRANG
Tương tự, từ số tiền 50 triệu đồng mượn được từ Tổ góp vốn, vợ chồng bà Lê Thị Tuyết, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, đã đầu tư một máy băm đất, vừa phục vụ công việc trồng trọt của gia đình, vừa băm đất thuê cho nông dân ở địa phương. Ngoài ra, bà Tuyết còn mua thêm trâu để nuôi. Nhờ đó, thu nhập của gia đình bà Tuyết đã được cải thiện, khấm khá hơn.
 
Sau gần 8 năm hoạt động, mô hình Tổ góp vốn ở xã Tịnh Bắc đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình hội viên nông dân. Việc vay vốn được thực hiện nhanh gọn và kịp thời, tạo động lực giúp hội viên từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Bắc Nguyễn Văn Lại cho biết, cả 3 thôn trên địa bàn xã đều xây dựng Tổ góp vốn, với 276 hội viên tham gia. Hiện nay, nguồn vốn của Tổ góp vốn thôn Minh Xuân là cao nhất, với trên 900 triệu đồng. "Mô hình này không chỉ nâng cao đời sống vật chất, mà còn hình thành ở hội viên nông dân ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no, đủ đầy", ông Lại nói.  
 
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh Lê Trung Tín cho biết, việc tập hợp nông dân vào các CLB, THT không chỉ giúp nông dân liên kết phát triển kinh tế, làm giàu, mà còn tạo điều kiện để các cấp hội nông dân tiếp sức, hỗ trợ thức ăn, kỹ thuật, vay vốn... cho nông dân. “Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình các CLB, THT cùng chung nghề nghiệp, sở thích, để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân chủ động hơn trong sản xuất; thúc đẩy việc xây dựng các htx trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Tín nhấn mạnh.
HIỀN THU - KIM TRANG
 
 

.