Khai thác lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

09:09, 29/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Trà Bồng đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực trong công tác phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, bộ mặt của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.
 
[links()]
 
Giảm nghèo bền vững
 
“Nhờ triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, nên công tác giảm nghèo bền vững của huyện Trà Bồng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết.
 
Mô hình trồng cây gừng gió ở huyện Trà Bồng cho hiệu quả kinh tế cao .  Ảnh: PHƯƠNG CƯỜNG
Mô hình trồng cây gừng gió ở huyện Trà Bồng cho hiệu quả kinh tế cao . Ảnh: PHƯƠNG CƯỜNG
Giai đoạn 2016 - 2020, hơn 500 tỷ đồng từ Chương trình 30a và Chương trình 135 đầu tư phát triển, hỗ trợ sản xuất cho người dân trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, ngoài việc xây dựng hạ tầng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thì công tác phổ biến kiến thức, "cầm tay chỉ việc" cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện một cách quyết liệt. Điều này đã tạo nên những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.
 
Để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện Trà Bồng đã lồng ghép các chương trình mục tiêu vào các phong trào phát triển kinh tế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ hướng đi này, đến nay huyện Trà Bồng đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng quế, gừng gió, nuôi gà kiến, nuôi heo bản địa... Nhiều hộ đồng bào Cor đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi tham gia các mô hình chăn nuôi bò lai, trồng chuối, dừa xiêm, cam, bưởi da xanh, ổi... Cùng với đó, huyện triển khai hỗ trợ cây, con giống phù hợp; phân công cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất. 
 
Ngoài ra, các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo của huyện Trà Bồng. Ông Hồ Xuân Thời, ở thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn cho biết, những năm qua, nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đầu tư trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi, từng bước vượt qua khó khăn. 
 
Đặc biệt là, sự đổi mới từ cơ chế chính sách hỗ trợ theo hướng có sự tham gia đóng góp vốn của hộ dân đã nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Huyện Trà Bồng cũng lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135... để hỗ trợ người nghèo đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị. Huyện đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm như gừng gió, quế... Nhờ được cán bộ các ngành chức năng “cầm tay chỉ việc” , nên sau một thời gian, người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và tự vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, Trà Bồng giảm được 4,7% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn khoảng 31%. Còn theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, huyện có 42,5% hộ nghèo và đến cuối năm 2022 ước giảm xuống còn 37%.
 
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
 
Xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nên trong những năm gần đây, huyện Trà Bồng đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư như tạo điều kiện về mặt bằng, giảm các khoản thuế, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ các cơ sở, nhà máy duy trì phát triển sản xuất...
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư như xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng ở cụm công nghiệp. Đến nay, huyện đã xây dựng Cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân rộng 10ha và tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60%. Tại đây đã có 2 đơn vị được cấp phép đầu tư, là Công ty CP Sản xuất đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Quảng Ngãi và Công ty CP Đại Triệu Phát. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các dự án thủy điện của Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân, Công ty TNHH Thủy điện Cà Đú, Công ty CP HP...
 
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Trà Bồng là 578 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2020. Còn trong 9 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 550 tỷ đồng, đạt gần 86% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện duy trì sản xuất ổn định, nhất là các cơ sở sản xuất lớn như Nhà máy Sản xuất dăm gỗ Nhất Hưng, các cơ sở sản xuất nhang, quế...
 
Ngoài ra, huyện Trà Bồng có nhiều lợi thế để thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian đến như: Tuyến Quốc lộ 24C đi qua huyện nối với tỉnh Quảng Nam và KKT Dung Quất; quỹ đất chưa khai thác lớn, nhất là đất nông, lâm nghiệp; có nhiều sản phẩm đặc trưng và cây dược liệu quý hiếm như sâm bảy lá, gừng gió, chè Trà Nham, quế Trà Bồng... "Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành, ủng hộ ý tưởng của các nhà đầu tư. Đồng thời, cam kết giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền một cách nhanh nhất theo quy định của pháp luật", Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh nhấn mạnh.
 
BÁ SƠN
 
 
 

.