Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Cần có sự thống nhất

05:08, 05/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. 
 
[links()]
 
Chính sách tái định cư chưa đồng bộ
 
Kể từ ngày 1/1/2022, quy định về bồi thường, hỗ trợ TĐC trên địa bàn tỉnh áp dụng theo Quyết định số 75/2021/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh (gọi tắt là QĐ 75). Quy định mới này có một số thay đổi về cách tính toán suất TĐC so với quy định tại Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là QĐ 48). Trên thực tế, có một số dự án kéo dài nhiều năm nên việc bồi thường, hỗ trợ TĐC áp dụng thực hiện theo cả hai cơ chế của QĐ 75 và QĐ 48. Từ đó gây ra những thắc mắc, không đồng thuận của hộ dân có đất bị thu hồi, TĐC, dẫn đến chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (GPMB).
 
Thi công Khu tái định cư thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Thi công Khu tái định cư thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (gọi tắt là dự án). Việc triển khai thực hiện dự án này chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 9 tháng. Nguyên nhân là do vướng mắc trong GPMB, bởi các hộ dân chưa đồng tình với việc TĐC theo QĐ 75. Đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021. Năm 2021, một số diện tích nằm trong dự án được GPMB, áp dụng theo chính sách QĐ 48. Sang năm 2022, áp dụng theo QĐ 75 và đã cắt giảm bớt suất TĐC của hộ dân. Công ty đã rà soát trên tổng mặt bằng của dự án khi áp dụng QĐ 75 đã có khoảng 59 lô TĐC bị cắt giảm so với QĐ 48. Người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng, vì cho rằng thiệt thòi hơn so với những hộ dân được TĐC trong năm 2021 theo QĐ 48, trong khi đó họ đều là hộ dân bị ảnh hưởng cùng một dự án.
 
Tình trạng này cũng xảy ra tại dự án TĐC cho người dân thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ. Dự án này chia làm 2 giai đoạn, kéo dài từ năm 2020 - 2022 và phải áp dụng theo 2 cơ chế bồi thường, GPMB, TĐC của QĐ 48 và QĐ 75. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tư Nghĩa Bùi Hữu Nam cho biết, theo QĐ 48 toàn dự án có 350 lô TĐC, nhưng áp dụng theo QĐ 75 thì chỉ còn 92 lô, tức là giảm 258 lô. Đây là dự án cấp thiết, nên UBND tỉnh đã họp và cho địa phương áp dụng thống nhất một cơ chế có lợi nhất cho người dân để bố trí TĐC, đó là QĐ 48. Tuy nhiên, những dự án khác thì không được áp dụng "cơ chế đặc thù" này và hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc, chưa được tháo gỡ.
 
Bất cập trong quy định thẩm quyền ban hành giá đất
 
Ông Bùi Hữu Nam cho biết, hiện tại công tác bồi thường, TĐC một số dự án đầu tư công trên địa bàn huyện đang gặp vướng mắc do chậm phê duyệt phương án bồi thường, TĐC. Các phương án này đã lập xong, nhưng chờ ban hành giá đất mới có cơ sở tính toán để thu tiền đầu tư hạ tầng từ các hộ dân được cấp TĐC. Thẩm quyền ban hành giá đất quy định tại QĐ 75 là do UBND cấp huyện, nhưng theo quy định của pháp luật đất đai từ trước tới nay thì thẩm quyền  thuộc UBND cấp tỉnh. Nghĩa là, về điều khoản thẩm quyền ban hành giá đất thì QĐ 75 quy định chưa đúng, cần phải sửa đổi.
 
   Đại diện Sở TN&MT (cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành QĐ 75) cho biết, trước khi ban hành QĐ 75, Sở đã gửi văn bản lấy ý kiến tất cả các địa phương và các địa phương đều thống nhất dự thảo, nên việc để xảy ra bất cập này có một phần trách nhiệm của các địa phương. Hiện tại, Sở TN&MT đang tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, điều chỉnh QĐ 75. Đối với vấn đề suất TĐC, Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho rằng, quy định tại QĐ 75 là sát thực tế, hạn chế được tình trạng trục lợi chính sách đất đai, tạo công bằng trong bồi thường, hỗ trợ TĐC trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh:  THANH NHỊ
 
 

.