Nuôi bò lai, mở hướng thoát nghèo

06:07, 28/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi bò lai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.
 
[links()]
 
Trước đây, thu nhập của gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên gặp nhiều khó khăn. Tận dụng mảnh vườn để trồng cỏ, ông đã vay mượn vốn đầu tư chăn nuôi bò lai. Ông Minh cho biết, mỗi năm gia đình tôi nuôi từ 5 - 7 con bò lai BBB và xuất bán từ 2 - 3 con, với giá gần 40 triệu đồng/con. Hiện nay, giá bán bò lai BBB cao hơn 2 - 3 lần so với các giống bò khác, trong khi thức ăn cũng hoàn toàn tương tự như bò thuần chủng. Điểm khác biệt là bò lai BBB chủ yếu nuôi nhốt, thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng.
 
Còn ông Võ Văn Linh, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chia sẻ, ngày trước gia đình tôi chỉ nuôi bò cỏ địa phương, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Để tăng thu nhập cho gia đình, tôi đầu tư chăn nuôi bò nhốt chuồng, với 10 con bò lớn, nhỏ giống lai Sind và Brahman. Đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, nên với mỗi con bò cái, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi hơn chục triệu đồng. "Ưu điểm của các giống bò lai là có tầm vóc cao to, dễ chăm sóc, có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh và có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao", ông Linh nói.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Bích, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò lai.
Bà Nguyễn Thị Thu Bích, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò lai.
Ông Huỳnh Đức Lợi, ở phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), là người có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi bò. Theo ông Lợi, để chăn nuôi bò hiệu quả, ngoài chọn lựa con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, cần chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo luôn sạch sẽ, thoáng đãng vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo, kết hợp thức ăn thô  -  xanh với thức ăn tinh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của từng con bò.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi bò lai ngày càng phổ biến. Từ năm 2018, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề tài ứng dụng KHCN, nhằm thúc đẩy chăn nuôi bò thịt. Qua đó, đẩy mạnh công tác lai tạo các giống bò thịt, phát triển các giống cỏ trồng cho năng suất, chất lượng cao, từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi của người dân, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho những hộ dân ở vùng nông thôn.
 
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển đàn bò theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng để sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, từ năm 2022 - 2025, ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng 14 mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản theo hướng tập trung, thâm canh tại TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ và các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, với tổng quy mô 420 con. Hỗ trợ đào tạo 20 kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo bò. Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò thịt theo hướng tập trung, thâm canh, an toàn dịch bệnh cho 5.420 lượt nông dân và các hoạt động khác. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch trên 25 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 10 tỷ đồng...
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho rằng, chính sách này sẽ giúp người chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh tiếp cận các giống bò chất lượng, nắm bắt và áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò cái sinh sản, bò thịt theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: NHẬT VY
 
 
 

.