Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch Quảng Ngãi

03:06, 06/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhưng nhiều năm qua, ngành du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Ngoài “đảo du lịch” Lý Sơn được khai thác tương đối hiệu quả, thì trên địa bàn tỉnh, những dự án lớn được cấp phép đầu tư sau nhiều năm đã không phát huy hiệu quả, gây lãng phí đất đai, lãng phí tài nguyên du lịch.
 
[links()]
 
Nhiều tiềm năng
 
Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây. Có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sắp tới có thêm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Bình Định, gần sân bay Chu Lai, Quốc lộ 1 và sắp đến là đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh nối liền dải đất miền Trung sẽ giúp Quảng Ngãi rộng cửa đón chào du khách.
 
Thắng cảnh chùa Hang (Lý Sơn).
Thắng cảnh chùa Hang (Lý Sơn).
Bên cạnh đó, từ xa xưa, Quảng Ngãi đã nổi tiếng với “Cẩm Thành thập nhị cảnh”. Ở phía tây của tỉnh, thuộc các huyện miền núi có những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, như thác Trắng (Minh Long), suối Chí (Nghĩa Hành), suối Trà Bói, núi Cà Đam (Trà Bồng)... Đặc biệt, Quảng Ngãi có hơn 130km bờ biển trong xanh, sạch đẹp với nhiều bãi biển nổi tiếng như Khe Hai, Châu Tân (Bình Sơn), Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi), Đức Minh (Mộ Đức), Sa Huỳnh (Đức Phổ). Vùng biển trải rộng trên 11 nghìn kí lô mét, ngoài khơi có đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ. Riêng về di tích lịch sử, văn hóa thì có địa điểm nổi tiếng như Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Khu di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Tổ đình Thiên Ấn, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm...
 
Tất cả những điều đó cho thấy, Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo. Song, nhiều năm qua Quảng Ngãi vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy ngành du lịch phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những dự án  được kỳ vọng trở thành “đầu tàu” dẫn dắt ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ như: Khu du lịch Thiên Đàng (Bình Sơn), các dự án ở Khu du lịch biển Mỹ Khê, các dự án đô thị, du lịch của Tập đoàn FLC tại KKT Dung Quất... sau nhiều năm cấp phép đầu tư vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nhiều dự án du lịch sau nhiều năm không triển khai bị tỉnh thu hồi, chuyển sang cấp phép cho nhà đầu tư khác.
 
Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển
 
Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi đón được 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160 nghìn lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân 24,3%/năm. Ngày lưu trú bình quân của du khách đạt 3 ngày trở lên. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 2.780 tỷ đồng; đóng góp của du lịch vào GRDP khoảng 1,65%. Giải quyết việc làm cho khoảng 21,9 nghìn lao động, trong đó có khoảng 7.300 lao động trực tiếp; tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,3%/năm; đồng thời thu hút đầu tư 1 dự án du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Đầu tháng 11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo.

 
Quan điểm đề ra là, phát triển du lịch gắn với phát triển các loại hình dịch vụ, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, bảo đảm lợi ích cộng đồng, giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội...
 
Sau 2 năm chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị “tê liệt”, hiện nay ngành du lịch đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Nhất là sau khi Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) công bố mở cửa hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Trong 4 tháng đầu năm 2022, có trên 60 nghìn lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi, tăng 17% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu ước đạt 48 tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đảo Lý Sơn tiếp tục là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế, với hàng nghìn lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Hoạt động du lịch khởi sắc đã kéo theo các dịch vụ nhà hàng, ăn uống phát triển. Lý Sơn hiện có 130 cơ sở lưu trú, với 1.000 phòng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Thực hiện Kế hoạch thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện nay, ngành VH-TT&DL đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát thị trường, kết nối các tour, tuyến du lịch với thị trường ngoài tỉnh. Ưu tiên đầu tư, phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch có tính bền vững, gắn với tự nhiên, yếu tố phục hồi sức khỏe để phù hợp với nhu cầu của du khách, đảm bảo an toàn và tạo được sức bật cho du lịch Quảng Ngãi. Ngoài ra, phát động chương trình người Quảng Ngãi đi du lịch trong tỉnh và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hình ảnh “Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn, thân thiện” để thu hút du khách trong, ngoài nước đến Quảng Ngãi.
 
Theo một số chuyên gia về du lịch, Quảng Ngãi cần phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, tôn trọng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là phát triển Lý Sơn - Bình Sơn, Đức Phổ - Ba Tơ thành khu vực trọng điểm du lịch; TP.Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch để tạo điểm nhấn và sức lan tỏa cho du lịch của tỉnh. Đồng thời, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách đầu tư các khu du lịch, tổ hợp du lịch - giải trí đẳng cấp và tập trung vốn ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, tạo động lực “mở đường” cho du lịch phát triển.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 

.