Chuyển dịch công nghiệp về nông thôn

08:06, 06/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN). Từ đó, góp phần chuyển dịch công nghiệp (CN) về nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng CCN thời gian qua còn chậm, việc thu hút đầu tư  còn khó khăn...
 
[links()]
 
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cấu kiện bê tông và Hạ tầng Kiến Trường, Cụm công nghiệp Quán Lát (Mộ Đức).
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cấu kiện bê tông và Hạ tầng Kiến Trường, Cụm công nghiệp Quán Lát (Mộ Đức).
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 CCN đã thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích hơn 401ha, trong đó có 15 CCN đã đi vào hoạt động, với diện tích đất quy hoạch là 277ha. Việc hình thành các CCN góp phần tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để bố trí di dời các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào CCN tập trung. Các CCN cũng góp phần thu hút đầu tư, phát triển CN tại khu vực nông thôn.
 
Các cơ sở sản xuất trong CCN tuy có quy mô nhỏ và vừa, nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3.760 lao động tại các địa phương với thu nhập ổn định. Đồng thời, góp phần tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, xây dựng nông thôn mới.
 
Nghị quyết số 01/NQ-TU đề ra mục tiêu phấn đấu, giai đoạn 2021 - 2025, các CCN thu hút đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt 75% trở lên. Các CCN đang hoạt động cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường phù hợp. Xây dựng một số cụm liên kết ngành CN, doanh nghiệp CN có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế...

Bên cạnh những kết quả đạt được, đa số các cơ sở sản xuất tại các CCN có quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị công nghệ chưa hiện đại, năng suất lao động thấp. Công tác xúc tiến đầu tư vào CCN chưa mang lại hiệu quả cao. Một số cơ sở sản xuất CN gây ô nhiễm môi trường. Nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN còn phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Công tác quy hoạch CCN còn chồng chéo, chưa đồng bộ; chất lượng lập quy hoạch chi tiết CCN, định hướng bố trí ngành nghề trong CCN còn hạn chế, chưa bắt nhịp với xu thế, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và lợi thế của vùng, miền.

 
Một trong những định hướng phát triển CN của tỉnh trong thời gian tới là chuyển dịch CN về vùng nông thôn; trong đó nghiên cứu quy hoạch thêm các khu, CCN ở các khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện các hạng mục. Hình thành các CCN chuyên ngành theo thế mạnh của từng địa phương để thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất. Ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến nông, lâm sản, CN công nghệ cao, để góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.
 
Theo Nghị quyết số 01/NQ-TU của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển CN, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kinh doanh hạ tầng tại các CCN theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông tại các CCN; phân bố không gian CN đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm; phân bố các cơ sở chế biến nông, lâm sản hợp lý theo hướng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.