Sản xuất vụ hè thu: Cần thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống

06:05, 16/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vụ sản xuất hè thu 2022, nông dân đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp và chi phí đầu vào tăng... Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp nỗ lực đề ra nhiều giải pháp, để cùng nông dân vượt khó, bảo vệ sản xuất theo phương châm “lấy hè thu bù đông xuân”.
 
[links()] 
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung (bên trái) kiểm tra cơ sở chế biến giống của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (Mộ Đức).   Ảnh: T.Phong
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung (bên trái) kiểm tra cơ sở chế biến giống của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (Mộ Đức). Ảnh: T.Phong
Từ ngày 10/5, ngành chức năng và nông dân trong tỉnh sẽ bắt đầu đưa nước vào ruộng để làm đất sản xuất vụ hè thu 2022. Thời điểm này, nông dân tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng, sẵn sàng xuống giống theo phương châm “nước đến đâu gieo sạ đến đó”.
 
Tại huyện Mộ Đức, địa phương có diện tích gieo sạ lớn nhất tỉnh (khoảng 5.000ha), nông dân cũng đang hối hả làm đất trên các cánh đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết, để đảm bảo tiến độ gieo sạ, UBND huyện đã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp huy động và sắp xếp các chủ máy làm đất tại các cánh đồng phù hợp. Đồng thời, chủ động luân chuyển máy từ vùng này sang vùng khác, nhằm đẩy nhanh tiến độ làm đất, đảm bảo tiến độ xuống giống vụ hè thu theo đúng khung lịch thời vụ là từ ngày 20 - 31/5/2022 đối với trà lúa chính.
 
Để sản xuất vụ hè thu đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT ưu tiên cơ cấu các loại giống lúa ngắn ngày và triển khai phương án xuống giống đồng loạt, tập trung. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho rằng, yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả vụ hè thu là chọn giống lúa thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết và phù hợp với chân ruộng của từng địa phương, theo hướng vừa tinh gọn vừa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến nông dân tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp về cơ cấu giống, cũng như lịch thời vụ. Đồng thời, tập trung tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật thâm canh, quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”... và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương châm “4 đúng”. 
 
Tuy nhiên, nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn trong vụ hè thu năm nay là rất lớn; giá vật tư tăng, gây không ít khó khăn cho nông dân. Vì vậy, Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương đã vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, phân bón, vật tư nông nghiệp chia sẻ khó khăn với nông dân, thông qua chương trình bình ổn giá, hoặc mua trước trả sau.  Chính quyền các địa phương cũng huy động người dân tích cực tham gia nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa và ra quân diệt chuột, sâu bệnh... 
 
Ngoài ra, các địa phương cũng đang rà soát từng vùng, từng tiểu vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn, để vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng “xen canh”, hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để hạn chế thiệt hại.
 
Giá phân bón tăng kỷ lục
 
Hiện nay, phân NPK Việt Nhật có giá 800 nghìn đồng/bao 50kg, NPK Bình Điền 1.095 nghìn đồng/bao 50kg, Urê Phú Mỹ 875 nghìn đồng/bao 50kg, Urê Hà Bắc 840 nghìn đồng/bao 50kg, Lân Ninh Bình 225 nghìn đồng/bao 50kg... Như vậy, giá phân bón tăng khoảng 40% số với cùng kỳ năm 2021. Giá bán các giống lúa chủ lực như Thiên Hương 6, ĐH 815-6, QNg128, DT45, Bắc Thịnh, Hà Phát 3... tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống cam kết cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng giống phục vụ sản xuất hè thu 2022.
 
 THANH PHONG
 
 

.