Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn: Sau 10 năm vẫn còn dang dở

05:03, 09/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Công trình chậm tiến độ, nguồn vốn năm 2021 bị điều chuyển, trong khi kinh phí năm 2022 chưa được bố trí... là thực trạng đáng lo ngại của dự án (DA) Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn, giai đoạn 2 sau 10 năm triển khai thi công (2010 - 2021).
[links()]
 
Đất dự án bị lấn chiếm 
 
Theo phương án thiết kế, hạng mục tường rào trong hành lang lưu thông kè là 15m, với tổng diện tích 8.000m2. Năm 2013, một số hộ dân đã bàn giao diện tích thực hiện hạng mục này theo Quyết định 193 của UBND tỉnh. Nhưng từ năm 2019 đến nay, có 38 hộ lấn chiếm diện tích trên để trồng hoa màu và xây dựng nhà cửa, tường rào cổng ngõ. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, xảy ra tình trạng trên là do thời gian thực hiện DA kéo dài, trong khi ngay từ đầu, chủ đầu tư không tổ chức cắm mốc ranh giới.
 
Bè khai thác cát của người dân nằm trong khu vực thi công nạo vét Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Bè khai thác cát của người dân nằm trong khu vực thi công nạo vét Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Sau khi tuyến kè và đường giao thông xây dựng hoàn thành, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, người dân muốn quay hướng nhà ra phía biển. Vì vậy, dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất. Cùng với việc kiên quyết không xác nhận quyền sử dụng đất cho diện tích lấn chiếm, chính quyền địa phương cùng với chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền và vận động để 38 hộ dân sớm bàn giao mặt bằng phục vụ DA. 
 
Tại công trường vũng neo đậu tàu thuyền, trong khi các đơn vị thi công nỗ lực nạo vét, thông luồng cửa biển, thì liên tục xuất hiện những ụ cát lớn nằm rải rác, thậm chí chắn ngang khu vực thi công. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ nạo vét, thông luồng cửa biển, mà còn gây khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền mỗi khi ra, vào. Theo chính quyền địa phương, do công tác quản lý của Ban Quản lý Cảng cá Lý Sơn còn lỏng lẻo, dẫn đến việc người dân hút cát và tập kết cát trong khu vực vũng neo đậu tàu thuyền. 
 
Trong khi đó, Ban Quản lý Cảng cá Lý Sơn cho rằng, chính quyền địa phương xuê xoa, thiếu quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý những trường hợp người dân tự ý trữ cát trong và ngoài vũng neo đậu tàu thuyền. Nhận thấy hoạt động hút cát phục vụ trồng hành, tỏi của người dân diễn ra hằng năm, nên Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh đã đề xuất chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan lựa chọn, bố trí địa điểm tập kết cát, nhằm tạo điều kiện cho người dân, cũng như đảm bảo hoạt động nạo vét vũng neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết.  
 
Theo Nghị định 03 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, mức phạt từ 50 - 250 triệu đồng đối với các hành vi xâm phạm công trình kè chống sạt lở, tàu thuyền neo đậu không đúng nơi quy định...

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

 
Theo bà Phạm Thị Hương, những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện DA Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, giai đoạn 2, một phần do người dân chưa nắm kỹ những thông tin, phương án thiết kế DA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thực hiện kéo dài. Vì vậy, khi phát sinh những vướng mắc, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát kỹ phần diện tích đất bị lấn chiếm, thời gian xây dựng và sử dụng nhà ở, công trình có được cấp phép hay không... nhằm có hướng giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể. Với những trường hợp tự ý lấn chiếm đất trong hành lang bảo vệ thì phải kiên quyết thu hồi, đảm bảo an toàn và hiệu quả công trình, cũng như không tạo tiền lệ xấu trong quá trình thực hiện các DA. 
 
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Đỗ Tâm Hiển cho rằng, để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện các công trình, DA ven biển, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các đơn vị tham gia việc tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan đến DA; trọng tâm là mục tiêu, phương án thiết kế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và phương thức tổ chức thi công. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả đầu tư công trình, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp xâm hại, phá vỡ hành lang an toàn công trình.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.