Cần có sự liên kết khi trồng rừng gỗ lớn

08:02, 23/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa mặn mà tham gia.
[links()]
 
Lợi ích nhiều nhưng khó triển khai
 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trên cùng một diện tích thì giá trị rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Loại cây trồng phổ biến, phát triển nhanh như keo lai, bạch đàn lai đến năm thứ 5 vẫn còn là rừng gỗ nhỏ, nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt trung bình khoảng từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn (gỗ lớn của rừng trồng chiếm 70%) mới khai thác, thì hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 20cm trở lên. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ chế biến (gỗ xẻ) với giá trị 1,8 - 2 triệu đồng/m3 (đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3), tức là khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha.
 
So với trồng rừng nguyên liệu, thì trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
So với trồng rừng nguyên liệu, thì trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Bên cạnh đó, lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ là giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất và góp phần bảo vệ môi trường...
 
Với mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn, Quảng Ngãi đã triển khai dự án Hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, với diện tích 507ha, kinh phí gần 18 tỷ đồng. Năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 56 về chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm 2019 - 2020, Quảng Ngãi đã thực hiện chuyển đổi được khoảng 210ha sang trồng rừng gỗ lớn, chủ yếu ở địa bàn TX.Đức Phổ và các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh. Tuy nhiên, cơn bão số 9 năm 2020 đã làm thiệt hại hơn 50%, nên diện tích còn lại chỉ khoảng 100ha.
 
Ông Phạm Trung Trường, người sở hữu hàng trăm héc ta rừng ở xã Bình An (Bình Sơn) chia sẻ, tôi cũng muốn tham gia dự án chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Nhưng thời tiết ngày càng cực đoan, rừng trồng thường xuyên bị ngã đổ, mà doanh nghiệp (DN) lại không thu mua, nên tôi không dám mạo hiểm. 
 
Cần có sự liên kết
 
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 225 nghìn héc ta rừng trồng, nhưng diện tích rừng gỗ lớn chỉ có khoảng 2.900ha. Trong đó, có 2.700ha rừng cung cấp gỗ lớn (Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ), 210ha chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
 
Nguyên nhân hạn chế phát triển rừng gỗ lớn là rừng có chu kỳ kinh doanh dài nên dễ gặp rủi ro như cháy rừng, thiên tai. Ngoài ra, đa số chủ rừng là hộ cá nhân sở hữu diện tích rừng nhỏ lẻ; người dân miền núi còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không đủ nguồn tài chính để thực hiện theo chu kỳ kinh doanh gỗ lớn. Trong khi đó, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha là quá thấp, nên người dân không mặn mà.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng, một trong những lo lắng của người dân hiện nay là sợ DN không thực hiện đúng cam kết, không chia sẻ rủi ro, còn DN thì lo người dân không tuân thủ hợp đồng. Do đó, để triển khai thực hiện được dự án trồng gỗ lớn mang tính bền vững cần phải có sự liên kết, tạo niềm tin giữa người trồng rừng và DN.
 
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang xây dựng Đề án Liên kết phát triển trồng rừng sản xuất. Trong đó, người trồng rừng và DN là chủ thể thực hiện, còn ngành nông nghiệp là cầu nối, hỗ trợ về mặt pháp lý, tránh trường hợp các bên tự phá vỡ liên kết. Việc liên kết phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người trồng rừng và DN...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.