Điểm tựa cho phụ nữ nông thôn

02:01, 06/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ phụ nữ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hội viên, phụ nữ sau khi được vay vốn ưu đãi, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
[links()]
 
Nhiều mô hình hiệu quả
 
Những ngày này, tại 3 trại nấm bào ngư của chị Ngô Thị Yến Nhi, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ, tấp nập thương lái đến thu mua nấm. Các trại nấm của gia đình chị Nhi là một trong những mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
 
Mô hình trồng nấm bào ngư của chị Ngô Thị Yến Nhi, ở thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Mô hình trồng nấm bào ngư của chị Ngô Thị Yến Nhi, ở thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Nhờ Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ hỗ trợ, chị Nhi đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Chị Nhi khởi nghiệp với mô hình làm nấm bào ngư. Sau 3 năm, đến nay 3 trại nấm của chị luôn cho sản lượng cao. Mỗi tháng, chị Nhi xuất bán ra thị gần 1 tấn nấm bào ngư, với giá bán 60 nghìn đồng/kg, chị thu về hơn 50 - 60 triệu đồng.
 
Chị Nhi cho biết, làm nấm bào ngư không khó, nhưng phải nắm kỹ thuật tưới mát, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để nấm sinh trưởng tốt. Nhờ Hội LHPN xã hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm các trại nấm để giải quyết thêm việc làm cho lao động thời vụ tại địa phương.
 
Từ chỗ có hoàn cảnh khó khăn, chị Phan Thị Xuân Anh, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ, đã mạnh dạn đầu tư trồng nấm rơm sạch. Đến nay, chị đã mở rộng sản xuất với 5 trại nấm, mỗi tháng cho doanh thu hơn 30 triệu đồng. “Sản xuất nấm rơm không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà đầu ra luôn ổn định. Thời điểm cuối năm, nấm tôi làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán, vì nhu cầu thị trường rất lớn. Nhờ mô hình này mà tôi đã phát triển kinh tế gia đình, nuôi 4 con ăn học”, chị Anh bộc bạch.
 
Theo Chủ tịch Hội HLPN xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Thị Minh Hiền, những năm qua, Hội đã tích cực hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Hội LHPN xã đã tập trung khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để giúp 357 hội viên phụ nữ vay, với tổng dư nợ gần 12 tỷ đồng. Hội còn duy trì mô hình tổ góp vốn tại 7 chi hội, với gần 700 triệu đồng, để hằng tháng, các chị em mượn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn
 
Để hỗ trợ phụ nữ có khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ đã sáng tạo triển khai thực hiện mô hình “Nuôi heo nái luân chuyển”. Hội đã tặng 5 heo giống cho 5 hội viên phụ nữ nghèo ở địa phương để chăn nuôi, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Sau khi phát triển chăn nuôi, hội viên gây đàn và giao lại cho Hội LHPN xã một con giống để luân chuyển cho các hội viên kế tiếp, cứ thế mô hình được duy trì và nhân rộng.
 
Cùng với đó, Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ còn triển khai mô hình “Con nuôi của hội”. Đây là mô hình triển khai trong năm 2021, nhằm giúp trẻ em mồ côi ở địa phương. Hội LHPN xã đã nhận nuôi em Phan Văn Hữu Kha, là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Bắc. Em Kha mồ côi bố mẹ, hiện ở với ông bà ngoại. Mỗi tháng, Hội LHPN xã hỗ trợ em Kha 500 nghìn đồng và thường xuyên tặng quà để giúp em vươn lên trong cuộc sống, học tập.
 
Ngoài ra, Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ duy trì mô hình “10 trong 1”, để huy động hội viên chung tay hỗ trợ các trường hợp phụ nữ đơn thân, khuyết tật tại địa phương. Hội còn thực hiện cửa hàng bán nông sản các loại nhằm gây quỹ giúp các trường hợp khó khăn...
 
Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ đã trở thành chỗ dựa vững chắc của hội viên, phụ nữ, giúp họ tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 

.