Chủ động phòng ngừa dịch cúm A/H5N8

09:12, 27/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm độc lực cao A/H5N8 trên đàn gia cầm. Ngành chức năng đã buộc tiêu hủy hơn 2.800 con gà. Nguy hiểm hơn là, chủng virus này có thể lây sang người. 
[links()]
 
ĐÃ TIÊU HỦY HƠN 2.800 CON GÀ
 
Mới đây, ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại đàn gà của ông Phan Văn Đủ, ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). Đàn gà của gia đình ông Đủ có 2.000 con, đã nuôi được 2,5 tháng tuổi. Đàn gà được tiêm vắc xin ngừa cúm gia cầm mũi 1 vào 28 ngày tuổi, chưa tiêm nhắc lại mũi 2. 
 
Đàn gà có biểu hiện bị bỏ ăn, xù lông, ỉa chảy, ho, sưng phù đầu và mặt, mào, tích thâm tím, xuất huyết ở chân. Cùng thời điểm này, đàn gà của ông Nguyễn Dồi ở cùng thôn với gia đình ông Đủ cũng có triệu chứng tương tự.
 
Tiêu hủy đàn gà bị nhiễm cúm A/H5N8.
Tiêu hủy đàn gà bị nhiễm cúm A/H5N8.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm tại hộ ông Đủ gửi Chi cục Thú y Vùng IV xét nghiệm, kết quả đàn gà bị bệnh cúm độc lực cao A/H5N8.
 
Chi cục cùng chính quyền địa phương đã khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn gà của hai hộ gia đình; khử trùng môi trường vùng dịch; tiêm phong bao vây ổ dịch, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biên pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Ông Nguyễn Lên, ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ cho biết, lần đầu tiên dịch cúm A/H5N8 xâm nhập vào đàn gà ở địa phương, người dân rất lo lắng. Lo sợ dịch lây lan, ông thường xuyên phun thuốc, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại. 
 
Đã có hơn 2.800 con gà bị nhiễm cúm A/H5N8 phải tiêu hủy.
Đã có hơn 2.800 con gà bị nhiễm cúm A/H5N8 phải tiêu hủy.
Trước đó, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 đầu tiên ghi nhận tại Quảng Ngãi xảy ra tại huyện Bình Sơn. Đàn gà 800 con của một gia đình ở thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương có dấu hiệu mắc dịch rồi bất ngờ chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng IV cho thấy, mẫu bệnh lấy từ ổ dịch này dương tính với virus cúm A/H5N8.
 
NGĂN NGỪA NGUY CƠ LÂY LAN
 
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gia cầm bị mắc cúm A/H5N8 có tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Nguồn bệnh cúm A/H5N8, virus có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, trong phân, dịch tiết như nước mũi, nước bọt, dịch tiết của con vật mắc bệnh. 
Mới đây, đã có 7 công nhân ở trang trại chăn nuôi gà ở Nga bị nhiễm virus cúm A/H5N8. 

Trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ còn phổ biến thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm là rất lớn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ cho biết, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N8 và phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân, Chi cục đã xuất 2 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho những đàn gia cầm có số lượng lớn, xuất 6.800 lít hóa chất để tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Chi cục cũng cử 1 đoàn thường xuyên đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Với những điểm nóng sẽ tăng cường tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm, đặc biệt là tổng vệ sinh tiêu độc để đảm bảo đàn gia cầm phục vụ cho tết Nguyên đán.
 
Người dân cần chủ động phòng, chống dịch cúm trên gia cầm.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn gia cầm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo nông dân không phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ. Với những trang trại, gia trại phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, con giống có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch, thức ăn phải đảm bảo và tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt khi nhập đàn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương.
 
“Nếu xảy ra dịch, đầu tiên người dân phải báo với chính quyền địa phương để cô lập, khoanh vùng tiêu hủy, tiêu độc khử trùng. Người chăn nuôi tuyệt đối không được bán chạy gia cầm, gia súc bị bệnh, tránh làm lây lan dịch ra diện rộng”, ông Ngô Hữu Hạ khuyến cáo thêm. 
 
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.