Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước: Hiệu quả kinh tế cao

02:09, 19/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân huyện Mộ Đức đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Nhiều mô hình đã mang lại kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất tập trung cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
[links()]
 
Tăng năng suất, nâng cao thu nhập
 
Nếu như trước đây, với mỗi sào lúa, gia đình bà Nguyễn Thị Đại, ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng chỉ thu được khoảng 1,3 tạ lúa tươi. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà Đại chỉ còn lãi khoảng 300 nghìn đồng/sào. Từ khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước ở vụ hè thu, bà Đại mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 4 sào rau màu các loại. “Chân đất này thường xuyên thiếu nước, nên sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất không cao. Sau hơn 2 năm chuyển đổi sang trồng ớt, đậu phụng, mang về cho tôi nguồn thu nhập khá, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa”, bà Đại nói. 
Nông dân xã Đức Phú (Mộ Đức) có thu nhập khá nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước sang trồng rau màu.
Nông dân xã Đức Phú (Mộ Đức) có thu nhập khá nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước sang trồng rau màu.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi hơn 5 sào đất lúa thiếu nước sang trồng bầu, bí đao, dưa gang phủ bạt, mà kinh tế gia đình ông Trần Tám, ở thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú khấm khá hơn. Theo ông Tám, việc nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất tập trung, nên nhiều thương lái đến tận ruộng thu mua, nông dân không lo đầu ra. Tuy giá cả chưa ổn định, còn biến động theo thị trường, nhưng  với giá bình quân thấp nhất là 3.000 đồng/kg, gia đình ông vẫn thu về trên 4 triệu đồng/sào/vụ, mức thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phú Phạm Thị Hoa cho biết, ngoài định hướng nông dân chuyển đổi 150ha đất lúa thiếu nước sang trồng bầu, bí đao, dưa gang, đậu phụng, địa phương còn liên kết với Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, để nông dân chuyển đổi 20ha đất lúa sang trồng bắp sinh khối cung ứng cho trang trại. Việc chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp không chỉ tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, mà còn hỗ trợ nông dân hình thành vùng sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
 
Giải pháp ứng phó với khô hạn
 
Theo thống kê, vụ hè thu năm nay, toàn huyện Mộ Đức chuyển đổi hơn 350ha diện tích đất lúa thiếu nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Nhiều mô hình được bố trí sản xuất phù hợp, cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng lúa. Đến nay, huyện đã xây dựng được 29 cánh đồng đạt doanh thu 150 triệu đồng/ha/năm và 24 vùng sản xuất với tổng diện tích 90ha, doanh thu bình quân đạt 176 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu các loại đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng hẹ, khổ qua ở xã Đức Chánh; mô hình trồng rau, đậu các loại ở xã Đức Lợi...
 
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai cho biết, chủ trương chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn bước đầu đã cho thấy lợi ích. Ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới, đây còn là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.
 
“Để các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước đạt hiệu quả cao, địa phương đang tiếp tục nghiên cứu từng chân đất, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm định hướng cho nông dân lựa chọn những cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó là đẩy mạnh việc tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm từ cây trồng chuyển đổi, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững”, bà Mai nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.