Mong "tàu 67" có động lực mới

12:12, 13/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính phủ chỉ gia hạn cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 (NĐ 67) đến ngày 31.12.2017. Hiện Bộ NN&PTNT đang tham vấn các cơ quan chuyên môn về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67 (nay là Nghị định 89). Vì vậy, đến thời điểm này, các ngân hàng chỉ tập trung giải ngân nguồn vốn trước đó và không cho vay mới. Các cấp, ngành đang chủ động tìm nguồn lực cho “tàu 67”.

Sau 3 năm thực hiện chương trình đóng “tàu 67”, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 27 tàu vỏ thép, 44 tàu vỏ gỗ và 7 tàu vỏ composite. Hiện đã có 31 chiếc vỏ gỗ, 9 chiếc vỏ thép và 1 chiếc vỏ composite hoàn thành, đưa vào sử dụng. Một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện NĐ 67 cũng đã được các ngành liên quan tháo gỡ. Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo vấn đề, cần những giải pháp phù hợp, tạo động lực giúp ngư dân đóng được tàu công suất lớn vươn khơi, làm giàu từ biển.

Trắc trở tàu vỏ thép

Trong khi 31 chiếc tàu vỏ gỗ hoạt động hiệu quả, thì các tàu vỏ thép lại thường xuyên gặp trục trặc. Điển hình như tàu vỏ thép của ngư dân Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) thường xuyên bị sự cố hộp số. Không chỉ tốn chi phí sửa chữa, mà sự cố trên còn khiến tàu ông Chín phải nằm bờ một thời gian. Vì vậy, hiệu quả sản xuất không đạt.

Hơn nữa, hai tháng nay, “tàu 67” của ông Chín phải nằm bờ để đợi... bảo hiểm tàu cá. “Thông thường, việc mua bảo hiểm tàu cá rất đơn giản, nhưng không hiểu sao đợt này khá phiền phức. Hơn hai tháng rồi mà vẫn chưa mua được bảo hiểm, nên tàu không đủ thủ tục để xuất bến”, ông Chín bộc bạch.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, hầu hết tàu vỏ thép chưa phát huy hiệu quả. Cả 9 chiếc đều xảy ra trục trặc kỹ thuật. Trong đó có 7 chiếc ngư dân tự khắc phục, 2 chiếc do các cơ sở đóng tàu thực hiện bảo hành. Những sự cố xảy ra với tàu vỏ thép thường là gỉ sắt ở một số vị trí, trục trặc hộp số và hệ thống làm lạnh... Ngoài ra, việc vận hành tàu vỏ thép cũng gặp nhiều trắc trở do yêu cầu kỹ thuật cao, lực lượng lao động thiếu chuyên nghiệp và họ thường xuyên “nhảy tàu”. “Vì vậy, để “giữ” lao động cho tàu vỏ thép, tôi phải ứng trước chi phí đi biển cho họ. Có những chuyến biển làm ăn không hiệu quả, nhưng các lao động vẫn yêu cầu tạm ứng, khiến tôi rất chật vật trong việc lo phí tổn”, ngư dân Trương Văn Chín bộc bạch.  

Phát sinh nợ xấu

Hiện hai ngân hàng có dư nợ cho vay nhiều nhất theo NĐ 67 hiện nay là Agribank và BIDV. Trong đó, dư nợ tại BIDV 75 tỷ đồng, còn Agribank Quảng Ngãi cho vay đóng mới 11 chiếc tàu, dư nợ hiện tại là 100 tỷ đồng. Sau ba năm triển khai NĐ 67 đã phát sinh những khoản nợ xấu.

Nghị định 67 giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi.
Nghị định 67 giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi.


Phó Giám đốc BIDV - Chi nhánh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Phúc, cho biết: “Hiện BIDV – Chi nhánh Quảng Ngãi đang quản lý cho vay đối với 6 tàu theo NĐ 67, nhưng đã có 5 tàu phát sinh nợ xấu, với số tiền khoảng 60 tỷ đồng. Mặc dù ngân hàng đã nhiều lần làm việc, nhưng đến nay các chủ tàu vẫn không trả nợ. Vì vậy, BIDV Quảng Ngãi đang xin ý kiến của UBND tỉnh để khởi kiện ra tòa các trường hợp trên”.

Không riêng gì BIDV Quảng Ngãi, mà cái khó của các ngân hàng là khi giải ngân cho những khoản vay này, ngân hàng chỉ có thể đặt niềm tin vào ngư dân, vào ý thức trả nợ của chủ tàu, vì ngân hàng không giám sát được dòng tiền thu được từ đánh bắt. Còn qua tài khoản lại không có tiền, nên mức độ rủi ro cao.

Trong khi đó, tiền để các ngân hàng cho vay đóng “tàu 67” là từ nguồn vốn huy động trong dân, với mức lãi suất huy động dài hạn bình quân 6,9%/năm. Với lãi suất cho vay “tàu 67” là 7%/năm, thời gian kéo dài 10 – 15 năm, nếu các ngân hàng thu hồi được toàn bộ dư nợ gốc, đồng thời được ngân sách cấp bù lãi suất, cũng chỉ đủ hòa vốn.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, mặc dù cho vay “tàu 67” rủi ro cao, nhưng thời gian qua tất cả các ngân hàng đều làm tròn nhiệm vụ chính trị được giao trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài các tàu làm ăn kém hiệu quả hoặc bị hư hỏng, phải nằm bờ, thì nhiều ngư dân làm ăn hiệu quả, nhưng ỷ lại chính sách của Nhà nước, nên thiếu ý thức và trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, làm phát sinh nợ xấu...

Mong chờ chính sách mới

Đến thời điểm này, tất cả các ngân hàng đã chấm dứt việc phê duyệt các hồ sơ vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu thuyền theo NĐ 67. Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Nguyễn Thiên Phiến, cho biết: “Từ nay đến cuối năm, Agribank phải giải ngân xong 18 tỷ đồng nữa để đảm bảo kế hoạch 11 tàu đã phê duyệt. Riêng các hồ sơ xin đóng mới, ngân hàng không duyệt vì sắp hết thời gian gia hạn đóng tàu theo NĐ 67”.

Tàu lưới vây của ngư dân Lý Sơn khai thác hải sản.                        Ảnh: V.M
Tàu lưới vây của ngư dân Lý Sơn khai thác hải sản. Ảnh: V.M


Trước tình hình trên, nhiều ngư dân rất băn khoăn và mong muốn Chính phủ gia hạn triển khai chính sách để họ tiếp tục đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Song song với đó, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định, sửa đổi, bổ sung NĐ 67 thêm một số quy định như hỗ trợ chi phí giám sát để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67; có quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng; cho nhiều doanh nghiệp tham gia bảo hiểm "tàu 67" để ngư dân có nhiều lựa chọn...

Theo dự thảo nghị định, cơ chế hỗ trợ tín dụng giúp ngư dân đóng tàu sẽ thay đổi. Thay vì hỗ trợ bằng cách cho vay 95% vốn và hỗ trợ 6% lãi suất vốn vay đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới... thì Chính phủ sẽ áp dụng cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư.

Đại diện các ngân hàng cho rằng, cơ chế hỗ trợ mới giúp ngư dân nâng cao trách nhiệm hơn đối với nguồn vốn vay. Theo NĐ 67, ngư dân đóng tàu vỏ thép chỉ huy động 5% tổng vốn đầu tư và trả 1% lãi suất vốn vay, nên ỷ lại, dẫn đến tình trạng chậm trễ, thậm chí không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Ngoài ra, đại diện một số ngân hàng cũng thẳng thắn: Dù NĐ 67 được điều chỉnh, bổ sung, nhưng nếu quá trình sản xuất của ngư dân không cải thiện thì ngân hàng cũng ngại cho vay vì lo nợ xấu. Nhất là tình trạng thiếu chỗ neo đậu cho tàu công suất lớn, luồng lạch các cửa biển bị bồi lấp, công tác dự báo ngư trường chưa phát huy hiệu quả...

Vì vậy, để giúp ngư dân chủ động và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, bên cạnh đầu tư hạ tầng, ngành chuyên môn cần đánh giá lại trữ lượng hải sản trên các vùng biển để cơ cấu hợp lý hơn các nghề sản xuất. Đồng thời, việc thực thi các chính sách hỗ trợ cần hiệu quả, tránh tình trạng “chính sách có, nhưng ngư dân khó tiếp cận” như hiện nay.


Bài, ảnh: MỸ HOA-HỒNG HOA


 


.