Triển vọng từ mô hình trồng tre, lấy măng

10:12, 08/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tuy chưa được trồng phổ biến nhưng mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, nhất là những hộ sống quanh vùng sạt lở, ngập lụt ven sông. Ông Nguyễn Vàng, 67 tuổi, thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành đã thực hiện thành công mô hình này.
Vốn ít nhưng… lời nhiều
 
Mùa này, khu vườn rộng 14 sào của ông Nguyễn Vàng hiện lên một màu đỏ rực của những quả chôm chôm. Cạnh vườn chôm chôm là vườn tre lấy măng với một màu xanh mướt. Dưới các khóm tre, từng búp măng đua nhau mọc mơn mởn.
 
Đợt vừa rồi, ông Vàng vừa mới thu hoạch xong một vụ. Mấy hôm nay, tranh thủ lúc nắng ráo, vừa đi làm trên xã về là ông chạy liền ra vườn, dùng liềm cắt tỉa những cây tre nhỏ và dọn dẹp xung quanh các khóm tre, với hy vọng một vụ măng trái vụ bội thu.
 
Tranh thủ thời gian rảnh, ông Vàng chăm sóc vườn tre.
Tranh thủ thời gian rảnh, ông Vàng chăm sóc vườn tre.
 
Ngồi bệt xuống đất, ông Vàng bắt đầu kể về chuyện trồng tre lấy măng cho thu nhập cao của mình. Cách đây 6 năm, qua một người thân, ông đem 31 cành, với giá khoảng một triệu đồng về trồng thử. Nhờ đất ven sông bồi pha giàu dinh dưỡng và được chăm sóc kỹ lưỡng, tre sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, 31 cành tre giống phát triển thành 70 khóm tre tươi tốt như bây giờ.
 
Những năm đầu, lượng măng cắt được đủ để ông “lai rai” bỏ mối cho tiểu thương ở chợ, kiếm sống qua ngày. Ba năm trở lại đây, tre cho măng nhiều, đến mùa là thương lái tự đến chào giá và cắt về. 
 
Thời gian tre đẻ măng nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Mỗi tháng ông cắt đến 4 lượt với hơn 4 tạ măng. “4 tạ là chuyện bình thường. Một mụt nặng ít nhất 2 ký rồi, có mụt nặng tới 6 ký lận đấy…”, ông Vàng nói.
 
Mùa chính vụ, mỗi ký ông kiếm được 12 nghìn đồng. Tháng chạp, mùa trái vụ, một ký có giá hơn 20 nghìn đồng. Nguồn thu nhập từ việc trồng tre lấy măng đem về cho ông mỗi năm ít nhất 30 triệu đồng. Con số này, cao gấp nhiều lần so với trồng chuối, trồng thơm trước đây.
 
Ông Vàng cho biết, ông không biết loại tre này có tên là gì, chỉ biết nó có xuất xứ từ Ấn Độ, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp. Ngoài dọn vệ sinh quanh gốc, cần phải chạy nước liên tục vào mùa khô. Vào tháng chạp, dùng phân chuồng bón thường xuyên cho cây. Ngoài ra, với mỗi sào tre, người trồng nên bón thêm 7kg phân NPK và không được bón sát gốc.
 
Lưu ý, trong quá trình tre sinh trưởng, tuyệt đối không được đốn, tỉa ngọn. Nếu không, măng sẽ không bao giờ mọc. Với những cây tre được 3 tuổi, người trồng phải đốn bỏ đi, vì đây là những cây tre đã già, chỉ ra trái chứ không đẻ măng.
 
Đa lợi ích
 
Hiện nay, ông Vàng đang chiết thêm 35 cành giống, “phủ xanh” ba sào đất mình mới mua. Bởi lẽ, loại tre này không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với các loại tre khác về tính phát triển bền vững.
 
“Khi tre chưa kịp nhảy nhánh, chắc chắn dưới gốc đã “lún phún” 4 mụt. Cắt đi 4 mụt này, dưới gốc tiếp tục đẻ ra 8 mụt khác. Chưa trồng đã biết có ăn, mà còn ăn tới cuối đời lận đấy”, ông Vàng khẳng định chắc nịch như vậy. 
 
Ông Vàng chiết cành, nhân rộng mô hình.
Từ những lợi ích của mô hình, ông Vàng đang chiết 35 cành giống, nhân rộng mô hình.
 
Hơn thế nữa, giữa các cây có chiều cao ngắn đồng đều (khoảng 7m), rất thích hợp với vùng đất thường xuyên bị sạt lở, mưa bão, không phải sợ gió quật ngã cây. 
 
Theo ông, với khoảng cách trồng 3m một bụi, chúng sẽ ngăn chặn được tình trạng sạt lở không thua kém gì các loại tre gai, tre mỡ của Việt Nam. Bộ rễ tre ăn sâu, đan chằng chịt vào nhau tạo ra một bức tường chắc chắn trước sự xói mòn, xâm thực của lũ lụt. Do vậy, không chỉ trồng trong vườn, ông còn trồng dọc bờ sông Phước Giang. 
 
Ông Từ Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành đánh giá và cho biết hướng phát triển của mô hình: “Lợi ích từ việc trồng tre là không nhỏ. Từ nguồn giống của ông Vàng, Hội Nông dân huyện đang liên hệ với trường Đại học Nông lâm Huế xây dựng đề án nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Đặc biệt là những vùng vùng ven sông và ở những gia đình có diện tích đất vườn rộng”.
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.