Chủ động ứng phó với mưa lũ

03:10, 14/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Nắm được thông tin dự báo về đợt mưa lớn sắp tới, người dân ở vùng rốn lũ, vùng trũng thấp, vùng có nguy sạt lở cùng chính quyền các địa phương đang hối hả chuẩn bị phương án ứng phó.
[links()]
 
                 Đưa đồ đạc lên cao, kết bè phòng lũ
 
Vừa dọn dẹp nhà cửa sau đợt lũ vừa qua, thì lại nghe tin mưa lũ sắp tới, nên 2 ngày qua, người dân ở vùng rốn lũ xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) lại tất bật đưa đồ đạc lên cao, đưa vật nuôi lên nhà tránh lũ, đồng thời chặt chuối kết thành bè để phòng lũ. 
 
Gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn Xuân Hòa, đang nuôi 10 con heo và 50 con gà. Nghe tin mưa lũ sắp đến, ông Dũng tranh thủ chặt 30 cây chuối, kết 2 chiếc bè. Những chiếc bè này nổi lên mặt nước như phao giúp ông di chuyển và cứu vật nuôi khi có lũ xảy ra. 
 
Ông Dũng đốn chuối kết thành bè để di chuyển và phòng lũ cho vật nuôi.
Ông Dũng chặt chuối kết thành bè để di chuyển và phòng tránh lũ cho vật nuôi.
Ông Nguyễn Ngữ, ở cùng thôn với ông Dũng, cũng tất bật cắt cỏ dự trữ thức ăn cho 2 con bò. Căn nhà tránh lũ sau chuồng bò cũng được dọn dẹp sạch sẽ, để đưa đồ đạc giá trị của gia đình lên đây. Rơm dự trữ thức ăn cho bò cũng được gia đình ông kê cao hơn mặt đất 1m. 
 
Sau trận lũ lịch sử vào năm 2013 gây nhiều thiệt hại cho gia đình ông Lương Văn Năm và nhiều người dân nơi đây nên ông Năm đã sáng tạo ra chiếc chuồng bằng sắt có gắn các thùng phuy nhựa ở dưới giúp bảo vệ vật nuôi và tài sản khi mùa lũ đến.
 
“Chiếc chuồng di động này được tôi thiết kế dựa theo mô hình bè nổi của ngư dân miền biển. Những chiếc thùng nhựa giúp chuồng nổi lên khi nước lũ dâng cao nhằm đảm bảo an toàn cho vật nuôi”, ông Năm chia sẻ.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, chính quyền đã khuyến cáo người dân chủ động ứng phó với mưa lũ để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Sống ở vùng rốn lũ, thường xuyên đối mặt với cảnh ngập lụt, nên người dân rất chủ động chủ động trong công tác phòng, chống lũ. Thời điểm này, hầu hết các gia đình đã đưa tài sản có giá trị lên cao. 
 
Người dân ở xã Hành Tín Đông chủ động đưa vật nuôi, tài sản lên cao phòng tránh lũ.
Người dân ở xã Hành Tín Đông chủ động đưa vật nuôi, tài sản lên cao phòng tránh lũ.
 
                     Sẵn sàng phương án ứng phó
 
Theo Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án di dời, sơ tán 264 hộ dân, với 626 nhân khẩu. Các điểm dự kiến di dời, sơ tán dân tập trung đảm bảo các điều kiện an toàn, nhu yếu phẩm cần thiết khi đưa người dân đến sơ tán. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho hay, cùng với việc sẵn sàng các lực lượng, phương tiện ứng phó, huyện sẵn sàng phương án di dời, sơ tán phòng tránh lũ 245 hộ dân, với 924 nhân khẩu nếu mưa lũ lớn xảy ra và di dời, sơ tán 10 hộ dân ở xã Nghĩa Thắng để phòng tránh sạt lở đất, lũ quét. 
 
Tại huyện Sơn Tây, do ảnh hưởng của đợt mưa từ ngày 10 - 11/10 nên đất đã no nước. Vì thế, đợt mưa sắp tới dễ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất rất cao. Nhiều xã trên địa bàn huyện có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. 
 
Các địa phương đã sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ. ẢNH:TL
Các địa phương đã sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ. ẢNH:TL
“Toàn huyện có 65 điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Huyện đã có phương án tổ chức sơ tán 446 hộ dân, với 1.787 nhân khẩu đến nơi an toàn nếu lượng mưa lớn”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho hay. 
 
Trong đợt mưa lũ vừa qua, Trà Bồng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt là vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1 đã vùi lập 1 tổ máy khiến một người mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy. Những ngày qua, huyện Trà Bồng đã phối hợp cùng các lực lượng khắc phục sự cố, tổ chức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy người mất tích. 
 
Theo khảo sát trên địa bàn huyện có tới 50 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, nứt núi, sạt lở bờ sông, lũ ống, lũ quét ảnh hưởng đến 1.182 hộ dân, với 4.806 nhân khẩu.
 
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ này, huyện Trà Bồng đã yêu cầu các đơn vị quản lý các công trình đang thi công xây dựng phải triển khai ngày phương án ứng phó, nhất là công trình Thủy điện Trà Phong, các công trình xây dựng cầu, cống qua sông, suối...
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương, huyện đã xây dựng kịch bản ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở để sẵn sàng hỗ trợ di dời, sơ tán người dân trong khu vực nguy hiểm ảnh hưởng, nhất là đối với những hộ chỉ có người già yếu, phụ nữ, neo đơn, khuyết tật.
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.