Quan tâm, trợ giúp người yếu thế

05:06, 17/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch này nhằm hỗ trợ người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng. 
 
[links()]
 
Trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng
 
Theo Sở LĐ-TB&XH, số trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Hiện toàn tỉnh có 7.815 người tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí, chiếm 0,54%/dân số. Trong đó, có 6.659 người tâm thần nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; 1.156 người tâm thần nhẹ, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí đang được chăm sóc, quản lý tại cộng đồng...
 
Ông Bùi Phụ Quang mong các cháu được hỗ trợ trị liệu, để các cháu được phát triển bình thường.
Ông Bùi Phụ Quang mong các cháu được hỗ trợ trị liệu, để các cháu được phát triển bình thường.
Hiện nay, các chương trình và chính sách xã hội dành cho các đối tượng này còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc, chữa trị, hỗ trợ không đáp ứng được nhu cầu. Sự kỳ thị còn tồn tại trong cộng đồng, gây khó khăn cho công tác triển khai những hoạt động trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng...
 
Ông Bùi Phụ Quang, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), có hai cháu trai sinh đôi đều mắc bệnh tự kỷ. Gần 1 năm qua, ông Quang đã cho hai cháu học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, với mong muốn các cháu có thể phát triển như trẻ bình thường. “Là ông bà ngoại, nên khi bố mẹ chia tay, tôi đưa các cháu về chăm sóc. Tôi và vợ lo làm ăn để có tiền nuôi cháu, nên cũng không mấy để ý, vì thấy các cháu vui chơi bình thường, chỉ là hơi chậm nói so với trẻ cùng trang lứa. Đến khi các cháu học lớp 1, có nhiều biểu hiện lạ, gia đình đưa đi khám mới biết hai cháu đều mắc chứng tự kỷ...”, ông Quang chia sẻ. Đến nay, dù chưa thể bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng được điều trị, hỗ trợ tại Trung tâm, các cháu đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. 
 
Còn bà N.T.M, ở huyện Mộ Đức, dù đã ở tuổi 80, nhưng hằng ngày vẫn phải chăm nom người con trai hơn 40 tuổi mắc bệnh tâm thần nhiều năm nay. “Bình thường cháu nó rất hiền lành, dễ tính, nhưng trời nắng nóng cháu hay phát bệnh. Hiện vẫn còn nhiều người có thái độ kỳ thị, chưa thực sự cảm thông với những người mắc chứng bệnh như cháu...”, bà M trải lòng.
 
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ
 
“Hiện vẫn còn nhiều trẻ tự kỷ, những người mắc các chứng trầm cảm, tâm thần không được phát hiện sớm, bỏ lỡ giai đoạn vàng trong can thiệp, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn. Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho những đối tượng này hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội”, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và giảm nghèo (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Hoàng Chi cho hay.
 
Mục tiêu chính của chương trình là huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc tăng cường nguồn lực trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.
 
Nhiều giải pháp trọng tâm được các ngành chức năng triển khai như: Truyền thông nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Trợ giúp y tế, giáo dục, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế, văn hóa, thể thao. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác xã hội tại cộng đồng. Quy hoạch, phát triển, nâng cấp và mở rộng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí nặng, cho trẻ tự kỷ (công lập và ngoài công lập)...
 
Chương trình phấn đấu đến năm 2025, hằng năm có ít nhất 80% người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Có 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; 70% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. Khoảng 80% người tâm thần nặng, 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận chăm sóc phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội...
 
Việc triển khai thực hiện chương trình sẽ giúp những người yếu thế được chăm sóc, hòa nhập cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội, thực hiện các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.                       
 
 Bài, ảnh: PV
 
 
 

.