Vẫn yên vui trên chiếc xe lắc

08:02, 23/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu số phận kém may mắn, đôi chân không thể đi lại như người bình thường, nhưng anh Lê Thanh Trúc (45 tuổi) ở thôn Hòa Bân, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) vẫn lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
 
Anh Lê Thanh Trúc tâm sự, mình không thay đổi được số phận, không thể đi lại được như bao người, nhưng không vì thế mà gục ngã, ngược lại phải mạnh mẽ vươn lên, chiến thắng chính bản thân mình. Khi sống biết đủ, bằng lòng với những gì mình đang có sẽ thấy lòng yên vui. 
 
Anh Lê Thanh Trúc hằng ngày mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Lý linh
Anh Lê Thanh Trúc hằng ngày mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Lý Linh
Dẫu cuộc đời lắm nỗi buồn, nhưng anh Trúc đã tự động viên mình như thế và ngày qua ngày anh tìm kiếm niềm vui cho riêng mình. Niềm vui ấy đơn giản là những tấm vé số được trao tay người mua. Ngày nào cũng vậy, anh Trúc thức dậy từ lúc 4 giờ 30 phút sáng và bắt đầu hành trình mưu sinh bằng nghề bán vé số. Khi nhiều người còn đang say giấc thì anh Trúc đã lấm tấm mồ hôi trên chiếc xe lắc cũ kỹ, vượt chặng đường dài đến đại lý vé số ở TP.Quảng Ngãi để nhận vé. Sau đó, anh rong ruổi trên khắp các tuyến phố, vào các hàng quán... để bán vé số. Đôi chân xiêu vẹo chẳng thể bước đi, anh Trúc phải lết trên nền đất, nên nghề bán vé số đối với anh vất vả hơn nhiều so với những người khác. Tuy vậy, anh vẫn tìm thấy niềm vui mỗi ngày từ cái nghề mà anh bảo rằng, đó là lao động chân chính, tự mình nuôi sống chính bản thân mình, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bình quân mỗi ngày anh Trúc bán được khoảng 150 vé số, ngày bán được nhiều nhất là 170 vé, nhưng cũng có ngày chỉ bán được vài chục tờ vé số. Thu nhập bình quân khoảng 150 nghìn đồng mỗi ngày.
 
Những ngày mưa, việc đi lại bán vé số càng thêm vất vả, nhưng anh Trúc hiếm khi ở nhà. Anh bảo, ở nhà thì buồn lắm, ngồi ủ ê, suy nghĩ lung tung rồi thêm buồn, đi làm sẽ cảm thấy vui hơn. Nhưng ngày mưa lết đi bán vé số bị ướt quần áo nên rất lạnh. Trước Tết, anh Trúc nhờ thợ hàn đóng cho chiếc xe đẩy do anh "thiết kế" để không phải lết đi trên đất, đỡ ướt lạnh mỗi khi trời mưa. Anh Trúc cười bảo, đó là chiếc xe của riêng anh, gọi là xe cho oách, chứ thật ra đó là tấm ván gỗ có gắn 4 bánh xe, ngồi lên đẩy đi cho khỏi ướt quần áo khi vào các hàng quán mời khách mua vé số. Đơn giản chỉ có vậy, nhưng anh Trúc cảm thấy vui hơn, đỡ vất vả hơn trên hành trình mưu sinh cũng như tìm niềm vui cho cuộc sống của chính mình.
 
Anh Trúc ít khi nói về câu chuyện cuộc đời mình, bởi là chuyện buồn. Lúc vài tháng tuổi, anh bị sốt cao lên cơn co giật ảnh hưởng đến não. Không như bạn bè cùng trang lứa, mãi đến 7 tuổi, anh Trúc mới chập chững bước đi. Nhưng đến 16 tuổi thì đôi chân của anh không giữ được thăng bằng, vậy là phải chống gậy, dần về sau thì không thể bước đi được nữa. Nhà nghèo nên năm 18 tuổi, anh Trúc phải vào TP.Hồ Chí Minh, rồi ra TP.Đà Nẵng để mưu sinh. Đến lúc mẹ già yếu, anh trở về quê chăm sóc mẹ. Anh Trúc không lập gia đình, hiện sống với chị gái thường xuyên đau ốm. Thi thoảng cũng có người hỏi sao không cưới vợ, anh Trúc lắc đầu bảo, nhiều điều khó nói lắm! Tôi sợ...
 
Dù rằng anh Trúc tự mình tìm được niềm vui trong cuộc sống, tuy là đơn giản, nhỏ bé thôi, nhưng với mình thế là đủ, nhưng đôi khi hoàn cảnh cũng khiến anh cảm thấy chạnh lòng. "Cũng có người không mua vé số mà móc tiền đưa cho như bố thí và nói lời bất nhã, làm mình cũng cảm thấy buồn. Mình bán vé số chứ không xin, tàn nhưng không phế mà..Nhưng cũng có nhiều tấm lòng thật đáng quý. Cuộc sống là vậy đó, mình phải vui để người khác được vui, thế nên ngày nào cũng phải cố gắng!", anh Trúc cười hiền. Với suy nghĩ bằng lòng với cuộc sống để yên vui, hằng ngày trên chiếc xe lắc, anh Trúc vẫn rong ruổi khắp nơi bán vé số và đi, về trên con đường quê yên bình!
 
LÝ LINH
 
 
 

.