Người dân vùng tái định cư của một số dự án còn khó khăn

02:12, 25/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)-   Việc đầu tư các dự án thủy lợi, thủy điện trong thời gian qua đã phục vụ tốt yêu cầu phát triển KT - XH, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở các khu tái định cư của những dự án này còn nhiều khó khăn, do thiếu đất sản xuất...
[links()]
 
Tái định cư nhưng chưa… an cư
 
Trên địa bàn tỉnh có dự án thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) và dự án Hồ chứa nước Nước Trong ở huyện Sơn Hà và Trà Bồng... phải thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) với quy mô lớn. Tổng số hộ đã di chuyển, TĐC 757hộ/3.138 khẩu, trong đó, TĐC tập trung 469 hộ/1.942 khẩu, còn lại là TĐC xen ghép và tự nguyện. Tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 2.581 ha. Theo quy hoạch chi tiết khu, điểm TĐC được duyệt, tổng diện tích đất phải giao hơn 971 ha, giao cho 1.331 hộ; hiện tại, tổng diện tích đất đã giao 204,8 ha, giao cho 508 hộ, trong đó, đất nông nghiệp 159 ha. 
 
Với việc triển khai các dự án thủy lợi, thủy điện này đã và đang góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển KT - XH, khai thác có hiệu quả tiềm năng của tỉnh. Các hộ dân ảnh hưởng đã được di chuyển đến các khu TĐC dần có cuộc sống ổn định và tăng gia sản xuất trên nền tảng cơ sở hạ tầng do chủ đầu tư xây dựng như: Giao thông, thủy lợi, trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước… theo tiêu chí nông thôn mới. 
 
Những ngôi nhà xây kiên cố tại các khu TĐC của thủy điện Đakđrinh ở huyện Sơn Tây
Những ngôi nhà xây kiên cố tại các khu TĐC của thủy điện Đăkđrinh ở huyện Sơn Tây
Tuy nhiên, thực tế đời sống của người dân TĐC bị ảnh hưởng bởi các dự án Hồ chứa nước Nước Trong và Đăkđrinh vẫn còn nhiều khó khăn, do cơ sở hạ tầng vùng TĐC chưa đồng bộ, chưa được kiên cố hóa; các khu tái định canh thiếu đất sản xuất và đặc điểm địa hình vùng miền núi rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Việc di dời TĐC trong các công trình thủy lợi, thủy điện dẫn đến những đổi thay lớn về tập quán canh tác, nguồn sinh kế và lối sống làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng. 
 
Cả 2 dự án thủy điện Đăkđrinh và Hồ chứa nước Nước Trong đều không có chương trình đào tạo việc làm cho người dân TĐC, mà chỉ cấp đất cho người dân TĐC sản xuất. Riêng dự án thủy điện Hà Nang do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, UBND huyện Trà Bồng đảm nhiệm công tác đền bù, tái định canh, TĐC nhưng chưa bố trí đủ đất tái định canh cho các hộ dân. Vì vậy, đời sống người dân thuộc diện TĐC ở các dự án này vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Tại 3 khu TĐC tập trung ở xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long (Sơn Tây) do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thủy điện Đăkđrinh cho thấy, sau nhiều năm người dân về nơi ở mới, đằng sau những ngôi nhà xây bằng gạch kiên cố, đường bê tông phẳng lỳ là cuộc sống bộn bề những khó khăn, thiếu thốn. Không ít hộ dân phải rời khu TĐC để về nơi ở cũ tìm kế sinh nhai. 
 
“Ngày trước ở làng cũ, có ruộng, có rẫy trồng lúa, mì,.. khi về khu TĐC này, mình thích bởi có nhà đẹp, đường to, gần trung tâm xã cuộc sống thuận tiện, nhưng lại nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, thiếu đất để canh tác, trồng trọt nên người dân chúng tôi phải quay về vùng lòng hồ, nơi từng sinh sống trước khi TĐC để tìm đất sản xuất”, ông Đinh Văn Trung ở khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên hay. 
 
Phần lớn các hộ dân ở trong những khu TĐC rời nhà đi vài tháng để trồng lúa, hết vụ mùa lại quay về nhà TĐC. Một số ít về hẳn vùng lòng hồ dựng nhà sàn tạm bợ sinh sống. Với họ, những căn nhà bề thế, khang trang nằm ở vùng sạt lở, xa đất canh tác... không thể giúp họ an cư, lạc nghiệp.
 
Đâu là nguyên nhân
 
Theo báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện các chính sách về di dân, TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện của UBND tỉnh thì đời sống của người dân vẫn còn khó khăn do thiếu đất canh tác. Hiện nay, UBND tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo để khắc phục những khó khăn của nhân dân đang sinh sống trong khu TĐC của các dự án.
 
Đồng thời, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu, điểm TĐC; công tác lựa chọn mặt bằng để xây dựng khu TĐC gặp khó khăn do địa hình miền núi cao, chia cắt bởi nhiều sông suối nên dễ gây sạt lở. Các công trình sau khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng, đặc biệt là công trình nước sinh hoạt, công tác quản lý khai thác còn hạn chế, chưa sửa chữa thường xuyên dẫn đến công trình mau xuống cấp, hư hỏng…
 
Thiếu đất canh tác, nhiều hộ dân ở vùng TĐC quay về nơi ở cũ để sản xuất
Thiếu đất canh tác, nhiều hộ dân ở vùng TĐC quay về nơi ở cũ để sản xuất
Đối với dự án Hồ chứa nước Nước Trong, vùng di dân có địa hình phức tạp, độ dốc địa hình lớn, đất ở và đất sản xuất hẹp, suất đầu tư lớn, đường giao thông chưa được kiên cố hóa nên thường xuyên bị xói lở vào mùa mưa. Việc hỗ trợ sản xuất như hỗ trợ khai hoang vườn rừng, khai hoang ruộng lúa nước, cấp cây giống, con giống được thực hiện đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, công tác khuyến nông ít được chú trọng dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao…
 
Trước thực tế đời sống và sản xuất của người dân vùng TĐC tại các dự án thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí hỗ trợ kinh phí để Quảng Ngãi thực hiện đầu tư các dự án hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau TĐC thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh trong, giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó, quan tâm  xem xét, phân bổ kinh phí thu được từ các nhà máy thủy điện để đầu tư hỗ trợ sau TĐC cho người dân bị ảnh hưởng tại nơi có các dự án thủy điện.
H.P

.