Một đời chắt chiu

10:07, 08/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 83 tuổi đời, bây giờ bà đã sở hữu cả một gia sản là hàng trăm gốc tiêu đã đến kỳ thu hoạch bên ngôi biệt thự mini xinh xắn, tọa lạc bên sườn đồi. Thế nhưng, với bà còn sức là còn làm, bởi bà đã ám ảnh cả một quãng đời cơ cực chắt chiu để nuôi con. Bà là Ngô Thị Quới thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh).

Quần quật một thuở...

Cơn mưa rào mùa hạ không đủ vực dậy màu xanh trên những cánh đồng khát nước nằm ngoài kênh Thạch Nham ở phía tây huyện Sơn Tịnh. Hoa màu ở những khu vườn, đất thổ hai bên đường về thôn Tân Phước cũng héo úa. Thế nhưng, vườn tiêu của bà Quới vẫn xanh ngắt một màu. Chúng tôi ngạc nhiên trước cụ bà lưng còng sát đất nhưng mắt vẫn còn tinh anh, tai nghe rất thính. Nhìn bà đang sàng sảy, nhặt nhạnh những hạt tiêu vừa mới phơi khô, chúng tôi ái ngại, bà giải thích: “Còn sức khỏe thì còn làm. Công việc này so với trước thì chẳng thấm gì”, rồi bà kể cho chúng tôi nghe về một thời chưa xa.

 

Một đời lam lũ, bà Quới đã xây dựng được ngôi biệt thự mini trên vùng đất khó.
Một đời lam lũ, bà Quới đã xây dựng được ngôi biệt thự mini trên vùng đất khó.


Sau giải phóng vùng đất Tân Phước hoang vu, đạn bom cày xới. Bà cùng chồng san lấp hố bom, trồng hoa màu sinh sống. Thế rồi, các con bà cũng lần lượt ra đời. Những bữa cơm độn củ quá nhiều, người mẹ phải nhường cơm cho con thơ. Cuộc sống đói nghèo kéo dài 10 – 15 năm vẫn chưa thoát. Đến ngày tách tỉnh, các con bà bước vào tuổi ăn, tuổi lớn, nên cuộc sống của gia đình lại càng khốn khó hơn.

Trên 1 sào ruộng lúa một vụ, 2 sào đất thổ quanh năm thiếu nước tưới, bà cùng chồng nghĩ cách chuyển đổi từ trồng khoai lang, mì, sang trồng mía. Rồi đào ao, giếng khơi lấy nước tưới lúa trên chân đất một vụ sang hai vụ để có gạo ăn. Đất không phụ công người, lúa, mía lên xanh tốt, nhưng đến ngày mía chín rộ thì không có người mua. Chồng bà đành phải kêu nhân công đốn hạ, rồi nổi lửa ép mía. Những muỗng đường cô đặc để khắp lò, chồng bà dùng xe đạp chở đi khắp nơi để bán. Lúc đổi gạo, lúc về tận miền biển để đổi cá, mắm ăn.

Vườn tiêu bên ngôi biệt thự

Lo cho các con yên bề gia thất, ở tuổi 60, hai mái đầu bạc lại nghĩ cách làm gì để lo cho tuổi già. Trên mảnh vườn ngày xưa trồng mía, bà Quới bàn với chồng mua cây lồng mứt về trồng để trồng tiêu. Nghĩ thì dễ nhưng khi thực hiện quả không dễ dàng gì.  

Hằng ngày, cứ sau làm đồng về bà cùng chồng người vác mai, vác xẻng đến các mảnh vườn ở đội 10 mua cây, rồi đào  gốc đem về nhà trồng. Cả một mảnh vườn rộng gần 2 sào đất, ông bà quần quật làm suốt mấy tháng liền. 5 năm sau, cây phát triển tỏa cành xanh lá thì cũng là lúc bà thực hiện “dự án” trồng tiêu.

Cứ 10.000 đồng, bà mua được ba ổ tiêu (khoảng 9 dây) về đặt xuống cạnh cây lồng mứt. Trồng thì được nhưng có thời điểm nắng gắt, bà cùng chồng múc nước giếng tưới ròng rã cả ngày để cứu tiêu. Đôi tay ông bà chai rộp rồi phồng lên, có hôm phải bỏ cả ăn. Các con thấy vậy xót lòng, nhưng cuộc sống cũng nghèo khổ nên không giúp được nhiều cho cha mẹ. Ông bà cứ miệt mài như thế đến 10 năm sau mới thu hoạch vụ tiêu đầu tiên…

Niềm vui chưa tày gang, thì chồng bà Quới đã ngã bệnh. Bà phải bán “sạch” đàn bò để chữa trị cho ông. Ông sống sót trở về, sống bên bà được 10 năm thì ra đi khi bà bước vào tuổi 77. Cái tuổi tưởng chừng như không còn sức lực. Vậy mà bà vẫn gắng gượng để chăm sóc vườn tiêu, thực hiện ước mơ của chồng kiếm tiền lo cưới vợ cho con trai út. Hằng năm bà bón phân, nhặt cỏ, bắt sâu, dây tiêu đến mùa cho trái bát ngát.

Năm đầu, bà thu được 70kg tiêu khô, giờ thu được từ 2 - 2,5 tạ. Tiêu được giá nên mỗi mùa, bà thu được vài chục triệu đồng. Số tiền này, bà lấy công làm lời nên qua bao năm thu hoạch bà dành dụm cùng con xây dựng được ngôi biệt thự mini nằm tọa lạc trên đất đồi.


Bài, ảnh: M. HẠ  - Đ. DIỆU


 


.