Trồng tre giữ đất, giữ làng

01:08, 10/08/2011
.

(QNg)- Mùa mưa lũ về, dòng sông Phước Giang nước chảy xiết, gây xói lở làm mất đất sản xuất. Nhiều khu dân cư phải di dời. Để giữ đất giữ làng, những năm gần đây xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) phát động trồng tre dọc ven sông... 

Từ huyện lỵ Minh Long theo đường rẽ qua Thanh An chúng tôi vượt qua xã Long Sơn để về Nghĩa Hành. Đến đoạn chợ phiên Tam Bảo (thuộc thôn An Sơn, xã Hành Dũng) có con đường chạy uốn lượn ven sông Phước Giang mát rượi bởi có hàng tre xanh được trồng dọc dài bên sông. Hàng tre đã làm cho con đường đẹp hơn trong nắng chiều. Tôi dừng chân bên nhà của cô Trần Thị Kim Ba. Bóng tre, bóng cây trong vườn làm ngôi nhà cô mát rượi. Cô bảo: "Trồng tre mùa nắng sẽ mát chứ không thì trở thành lò nung mất. Còn mùa mưa thì tre chắn gió, chống sạt lở bờ sông. Nhà sát bên sông mà...".
 
Lũy tre dọc ven sông Phước Giang (thuộc thôn An Sơn) che chắn xóm làng mỗi khi mưa bão về.
Lũy tre dọc ven sông Phước Giang (thuộc thôn An Sơn) che chắn xóm làng mỗi khi mưa bão về.

Nhà cô Ba nằm dọc bên Tỉnh lộ 624 (Nghĩa Hành- Minh Long). Năm nào mùa mưa lũ về, nước sông Phước Giang cũng dâng cao, gây ngập lụt cả vùng, làm sạt lở bờ sông, trôi đất sản xuất. Thời trước gia đình cô Ba đã trồng tre giữ đất. Nhưng mỗi năm lũ một lớn và chảy xiết, hàng tre thì trồng thưa, nên có năm như năm 1994, nước sông quật ngã, rồi cuốn tre đi. Vì vậy ngày trước bờ sông tận ngoài kia cách bờ tre, bây giờ theo năm tháng, đất cứ sạt dần, đến đời cô Ba thì bờ sông cách nhà gần 5 mét. Bà con trong thôn xóm cạnh bên sông thấy vậy đã huy động nhau trồng thêm tre. Cứ đoạn vườn nhà ai đối diện với sông dài đến khoảng nào, thì trồng bấy nhiêu bụi, để phủ kín bờ sông.

Trồng tre để giữ đất là chuyện có từ bao đời, nhưng để giữ được tre phát triển thì càng khó hơn nhiều. Mùa này tre thường cho búp măng - món ăn dân dã của miền quê nghèo. Một số người có nhà nằm sâu bên trong xóm, đã lén lút chặt măng tre để ăn hoặc bán lấy tiền. Chặt hoài nên bờ tre không dày được, nên mỗi lần họp xóm, bà con tự nhắc nhở nhau và ra quy ước, từ nay không ai được chặt măng để tre phát triển chắn đất giữ làng. Quy ước của làng giờ đã trở thành thông lệ. Tre  lên xanh tốt trở thành những cây tre cứng cáp, đan dày thành lũy. Bây giờ dọc dài bên bờ sông Phước Giang, đoạn từ thôn An Sơn đến cầu Cây Sanh dài hàng kilômét tre đã trồng sít kín. Mùa nắng cây tre đã tạo bóng mát cho con đường, mùa mưa thì chắn gió, chống sạt lở.

Thực tế trồng tre không chỉ chắn gió, mà nó còn là cây tạo nguồn thu nhập cho người dân. Cứ 3 năm trồng tre, chặt đốn một lần. Mỗi bụi cũng cho thu nhập từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng. Khi chặt đốn chỉ cần lấy lá cây, nhánh, ngọn tre phủ lên gốc tre và bón ít phân hóa học, sau một thời gian tre sẽ mọc trở lại. Thời điểm thu hoạch thường sau  mùa mưa lũ, rồi cây nẩy mầm phát triển trở lại. Đến tháng 10 năm sau, mùa lũ trở về là  cây tre đã phát triển cứng cáp.

Ông Trịnh Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hành Dũng cho biết: Bờ tre bà con trồng dọc dài ven sông này không chỉ bảo vệ nơi ở của bà con, mà còn bảo vệ được con đường liên tỉnh nối hai huyện Minh Long và Nghĩa Hành nằm sát con sông. Tuy vậy trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 500 mét đường chạy dọc ven sông (đoạn từ chợ Phiên Tam Bảo trở lên Sông Ven) chưa trồng được. Xã có kế hoạch huy động bà con sẽ trồng tre tiếp những đoạn bờ sông này để bảo vệ đất sản xuất, nhà ở cho dân...

Không chỉ Hành Dũng, mà việc trồng tre chống xói lở đã có từ  xa xưa của những cư dân dọc ven sông Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, sông Vệ. Việc trồng tre chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên được nhiều thế hệ người dân ở vùng ven sông thực hiện. Với xã Hành Dũng, việc trồng tre giữ đất giữ làng sẽ tiếp tục được triển khai trong năm nay và những năm sắp tới.       

        Bài, ảnh: MAI HẠ

.