Xây dựng Đảng: Nhiều cách làm đột phá, sáng tạo

10:09, 06/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về công tác xây dựng Đảng. Với quyết tâm chính trị cao, các nghị quyết, đề án được kỳ vọng  tạo đột phá, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
 
[links()]
 
Chuyển biến từ cơ sở
 
Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” có nhiều quy định mới như: Chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ; luân chuyển cán bộ trẻ có triển vọng đang công tác ở cấp tỉnh về làm bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã để rèn luyện, đào tạo cán bộ.
 
Lãnh đạo tỉnh và TX.Đức Phổ tặng hoa chúc mừng đồng chí Vũ Minh Tâm (thứ ba từ trái sang) và đồng chí Đỗ Tâm Hiển (thứ ba từ phải sang).                                      Ảnh: Thanh Thuận
Lãnh đạo tỉnh và TX.Đức Phổ tặng hoa chúc mừng đồng chí Vũ Minh Tâm (thứ ba từ trái sang) và đồng chí Đỗ Tâm Hiển (thứ ba từ phải sang). Ảnh: Thanh Thuận
Mục tiêu nghị quyết là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất đạo đức trong sáng, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết; có tư duy tích cực, khát vọng vươn lên; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa, nhằm góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh ở cơ sở.
 
Đội ngũ CB, CC cấp xã có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) Lê Hữu Long cho biết, xác định vai trò quan trọng của đội ngũ CB, CC cấp xã, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm cử CB, CC đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Đến nay, 20/21 CB, CC của xã có trình độ đại học và 100% CB, CC có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Đặc biệt, số cán bộ trẻ dưới 40 tuổi của xã chiếm 77%. Đội ngũ CB, CC của xã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy.  
 
Các địa phương trong tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Trưởng phòng Tổ chức - Nội vụ huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Thái cho biết, công tác điều động, luân chuyển một số cán bộ huyện giữ chức bí thư cấp ủy cơ sở không là người địa phương đem lại hiệu quả rõ rệt. Đây là môi trường để rèn luyện, thử thách cán bộ, giúp nâng cao bản lĩnh, kỹ năng trong giải quyết các vấn đề bức thiết, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Huyện đã thực hiện bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương ở 20/22 xã, thị trấn. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục xem xét, bổ sung những cán bộ có năng lực, nhất là cán bộ trẻ về cơ sở, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền.
 
Triển khai đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng Đảng 
 
Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, bám sát chỉ đạo của trung ương, Quảng Ngãi đã mạnh dạn triển khai thực hiện thí điểm một số chủ trương, mô hình mới, nổi bật là thí điểm hợp nhất tổ chức, kiêm nhiệm chức danh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành đề án về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; thực hiện thí điểm mô hình “Dân tin - Đảng cử” tại các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa và Ba Tơ; đề án đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Bí thư Đảng ủy xã Bình An (Bình Sơn) Đỗ Đăng Khánh (bên phải) xuống cơ sở để nắm tình hình ở thôn Tây Phước 2.                   Ảnh: Th.thuận
Bí thư Đảng ủy xã Bình An (Bình Sơn) Đỗ Đăng Khánh (bên phải) xuống cơ sở để nắm tình hình ở thôn Tây Phước 2. Ảnh: Th.thuận
Ngoài ra, Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên; xây dựng đề án phát triển đảng viên, hằng năm giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cho từng đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; chú trọng công tác phát triển đảng viên đi đôi với việc sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; chấn chỉnh và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hầu hết chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, ngoài những tiêu chuẩn như các địa phương khác trong cả nước, yêu cầu người được bổ nhiệm phải được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên. Đổi mới trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, thay thế và bổ nhiệm để đội ngũ cán bộ kế cận phát huy hết năng lực, sở trường, nâng cao hiệu quả công việc được giao.
 
Từ những nghị quyết, đề án được ban hành, qua triển khai thực hiện cho thấy công tác tổ chức xây dựng Đảng đã và đang tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trên cả 3 mặt: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, nhiều nội dung mang tính đột phá, cách làm sáng tạo được triển khai thực hiện nhằm tạo dấu ấn rõ nét trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, Quảng Ngãi đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra. Hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm số lượng cấp phó; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Từ đó tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân.
 
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ
 
Xác định "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", một trong những nhiệm vụ đã và đang được Tỉnh ủy tập trung thực hiện là chuẩn hóa công tác cán bộ, từng bước đưa công tác này vào nền nếp, từ đó phát huy tối đa hiệu quả công việc. Với mong muốn tuyển chọn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của địa phương, tỉnh đã đặt ra một số chỉ tiêu, tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ như tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 chiếm 10% trở lên, nữ chiếm 15% trở lên, cán bộ người dân tộc thiểu số ít nhất từ 5 đồng chí trở lên. Phấn đấu đến hết năm 2025, 85% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; có 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh và huyện (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định...
 
 
THANH THUẬN
 
 

.